Du Xuân đầu năm: ‘Bình thường mới’ ra sao để an toàn?

Nguyễn Hoài 13/02/2022 10:19

Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm mới, người dân thường có thói quen xuất hành đầu năm đến các điểm du lịch tâm linh, các điểm du lịch có tổ chức lễ hội.

Năm nay, dù nhiều địa phương đã dừng tổ chức lễ hội nhưng du khách thập phương vẫn đổ về các địa điểm du lịch tâm linh để thưởng ngoạn và cầu may. Du Xuân trong điều kiện bình thường mới, làm thế nào để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là bài toán được đặt ra.

Thay đổi cách thức tổ chức

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp đầu năm mới, gia đình chị Trần Minh Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại cùng nhau xuất hành với những chuyến du lịch tâm linh. Năm nay, do dịch bệnh, nhiều địa phương không tổ chức lễ hội, nhiều đền, chùa cũng không mở cửa đón khách thập phương nhưng gia đình chị Hương vẫn chọn đền Mẫu (Lạng Sơn), di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) để thưởng ngoạn.

Chị Hương cho biết: “Tôi chọn đi lễ chùa đầu năm để cầu một năm sức khoẻ, bình an, may mắn cho cả gia đình. Hơn nữa, vãn cảnh chùa tạo cho tôi cảm giác thư thái, tĩnh tâm sau một năm bộn bề công việc. Năm nay do dịch bệnh, có điểm du lịch như khu di tích Bạch Đằng Giang, gia đình tôi đến nhưng không mở cửa đón khách thập phương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khấn cầu ở ngoài cổng di tích”.

Do dịch bênh, năm nay nhiều di tích, đền, chùa không mở cửa đón khách.

Trước khi cả gia đình lên xe xuất hành đến chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), anh Nguyễn Văn Kiên (quận Ba Đình, Hà Nội) có chút lo lắng vì không biết chùa có mở cửa đón khách hay không.

Tuy nhiên, khi đến nơi, anh Kiên khá yên tâm. Do dịch bệnh nên năm nay khách du lịch về chùa Ba Vàng dịp đầu năm vắng hơn hẳn, không còn cảnh xếp hàng dài như mọi năm.

Anh Kiên cho biết: “Du xuân trong điều kiện dịch bệnh nên chúng tôi cũng phải có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch. Ở những điểm du lịch trước đây đông khách giờ vắng hơn, không chen lấn xô đẩy nhau, tôi thấy yên tâm và có thêm cơ hội được ngắm cảnh các di tích”.

Theo tìm hiểu, năm nay, nhiều khu du lịch không tổ chức lễ hội, cách thức tổ chức cũng khoa học, gọn nhẹ hơn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Năm Nhâm Dần 2022, tại khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) không tổ chức lễ hội. Vào ngày khai hội, Ban Trị sự Giáo hội chỉ thắp hương, làm lễ tâm linh, không mời đại biểu đến dự. Khai hội và ngày 10 tháng Giêng nhưng Ban tổ chức chỉ tổ chức các nghi lễ và không tổ chức các hoạt động khai hội.

Thay đổi cách thức tổ chức nhưng lượng khách đổ về Yên Tử vẫn khá đông. Theo Ban quản lý di tích, trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lượng khách đến với Yên Tử nhiều hơn so với 2 năm trước. Theo đó, ngày mùng 1 Tết, Yên Tử đón khoảng 1.500 lượt khách; mùng 2 đón khoảng 3.000 lượt khách; mùng 3 đón hơn 7.000 lượt khách; mùng 4 đón hơn 14.000 lượt khách; mùng 5 đón khoảng 21.000 lượt khách.

Thích ứng linh hoạt

Để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương, mới đây UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã thông báo tổ chức đón khách tham quan di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) bắt đầu từ ngày 16/2 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Thông tin này khiến nhiều du khách phấn khởi. Bởi lâu nay, với nhiều người dân Việt Nam, chùa Hương là điểm đến không thể bỏ qua mỗi dịp đầu năm mới.

Đến thời điểm này, mọi công tác cho mở cửa đón khách đã được chuẩn bị chu đáo. Chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp cụ thể nhằm tuyên truyền, đề cao ý thức phòng, chống dịch, đi lễ hội văn minh.

Công an huyện Mỹ Đức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phục vụ tổ chức đón khách về tham quan di tích Chùa Hương năm 2022. Ảnh Công an huyện Mỹ Đức.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, khuyến cáo du khách thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế, riêng đối với các du khách chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 không nên đến khu di tích để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc đi lễ hội năm nay không thể như thường lệ mà phải thực hiện theo bình thường mới, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

PGS.TS Nga khuyến cáo, địa phương tổ chức lễ hội cần đưa ra các biện pháp an toàn để giảm thiểu các nguyên nhân của lây nhiễm dịch bệnh. Về phía người dân, cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế nơi công cộng, trong đó có hoạt động du xuân vãn cảnh đền, chùa như đeo khẩu trang y tế đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng, không tụ tập đông người...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du Xuân đầu năm: ‘Bình thường mới’ ra sao để an toàn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO