Đưa ảnh trẻ em lên mạng: Phải hỏi ý kiến trước

Lê Bảo 27/02/2017 09:55

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý theo tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 do Bộ LĐTB&XH gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Bảo vệ trẻ em trước cạm bẫy online

Tại Tờ trình Bộ LĐTB & XH nêu rõ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách hiện nay, vì bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng, thì mặt trái của nó là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn như: bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng, bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh đến nhân cách và tinh thần của trẻ em.

Do đó, tại dự thảo Nghị định đã quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng toàn diện, phù hợp với các yếu tố tâm sinh lý, nhận thức và nhu cầu, hoàn cảnh của trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet.

“Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em. Đồng thời phải có công cụ khống chế thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi trực tuyến. Phải sử dụng công nghệ xác định độ tuổi để hạn chế việc trẻ em truy cập những nội dung, thông tin không phù hợp độ tuổi theo quy định của pháp luật” – Dự thảo nêu rõ.

Theo Dự thảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và nếu trẻ em từ đủ7 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của trẻ em.

Thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Theo Tờ trình, từ năm 2004 Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 thiết lập với sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: cung cấp thông tin trực tiếp trên điện thoại; kết nối các dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và cần bảo vệ khẩn cấp; thu thập, hệ thống hóa thông tin và thực hiện các báo cáo định kỳ, báo cáo theo các chuyên đề; cung cấp dịch vụ trực tiếp: dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý qua điện thoại và trực tiếp tại tổng đài.

Từ thực tiễn hoạt động của đường dây cho thấy, cần phát huy hơn nữa vai trò của đường dây trong việc kết nối, chuyển tuyến, điều phối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên ngành, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại. Do đó, tại dự thảo Nghị định đã nâng cấp hoạt động của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.

Về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH cho biết: Để tránh phát sinh tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Bộ LĐTB&XH lựa chọn phương án nâng cấp Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đang hoạt động được 13 năm thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và giao cho Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa ảnh trẻ em lên mạng: Phải hỏi ý kiến trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO