Đưa công nghệ viễn thám nhận dạng sạt lở đất đá ở nước ta

MINH QUÂN 19/10/2021 14:53

Nhằm giải bài toán trong việc phân vùng, dự báo thiên tai, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, hay còn gọi là trượt lở đất đá ở vùng núi, mới đây, công nghệ viễn thám được các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ứng dụng thành công.

Sạt lở đất ở Yên Bái năm 2017. Ảnh: Hà An.

Nhằm giải bài toán trong việc phân vùng, dự báo thiên tai, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, hay còn gọi là trượt lở đất đá ở vùng núi, mới đây, công nghệ viễn thám được các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ứng dụng thành công.

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho hay: Phân tích ảnh viễn thám cho phép nhận dạng các khối trượt và các yếu tố chính phát sinh trượt lở đất đá. Đó là các yếu tố cấu trúc địa chất, đới phá hủy kiến tạo, thảm phủ thực vật và những biến động của lớp thảm phủ thực vật…

Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai phổ biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Có tới 3/4 lãnh thổ Việt Nam thuộc khu vực miền núi, có địa hình sườn dốc cao, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội chưa được quy hoạch hợp lý, nên các hiện tượng trượt lở đất đá, lũ bùn đá và lũ quét thường xảy ra.

Vẫn theo các chuyên gia, những năm gần đây, các loại hình thiên tai này xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, điển hình ở các tỉnh miền núi như, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An...

Trong khi đó trên thế giới, việc nghiên cứu tai biến địa chất được đầu tư rất sớm, nhiều phương pháp khoa học tiên tiến đã được áp dụng vào công tác dự báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá. Theo đó, phân tích ảnh viễn thám kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS) đang được xem là một trong những hệ phương pháp có hiệu quả cao trong lĩnh vực nghiên cứu tai biến địa chất, bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, vấn đề này mới chỉ được chú trọng khoảng 15 năm gần đây khi thảm họa thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Các nghiên cứu về trượt lở đất đá ở Việt Nam mới chỉ áp dụng trên diện rộng, tỷ lệ nhỏ, chủ yếu phân vùng dự báo định tính, còn rất thiếu các công trình điều tra đủ chi tiết để hỗ trợ hiệu quả hơn công tác quy hoạch, cảnh báo nguy cơ và chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Chất lượng ảnh viễn thám có độ chính xác trên 80%

Theo Tiến sĩ Khánh, với công nghệ viễn thám, các thông tin được chiết xuất từ ảnh viễn thám chủ yếu thông qua các dấu hiệu ảnh: dấu hiệu trực tiếp như tôn ảnh, màu sắc ảnh, hoa văn ảnh, kiến trúc ảnh, hình dạng đối tượng ảnh... và gián tiếp như những yếu tố lớp phủ, địa hình, địa mạo, thành phần vật chất trên bề mặt địa hình....

Ảnh phân tích từ công nghệ viễn thám giúp đưa ra những dự đoán, cảnh báo sớm sạt lở đất. Ảnh: Nam Anh.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học thành lập được các sơ đồ giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần. Các sơ đồ kết quả giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần sẽ được sử dụng làm các dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho công tác đánh giá, phân vùng dự báo và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trong các bước tiếp theo.

Tại những vùng điều tra có thể sử dụng được nhiều tư liệu ảnh viễn thám đa thời kỳ có độ phân giải cao, công tác kiểm chứng thực địa các khối trượt giải đoán từ ảnh viễn thám đã xác định được tại những vị trí này đã xảy ra trượt lở đất đá với độ chính xác trên 80%.

Tuy nhiên, công nghệ viễn thám vẫn có thể có sai số so với thực địa, bởi sự chênh lệch giữa thời gian thu nhận ảnh và thời gian kiểm chứng thực địa. Ngoài ra, còn do có nhiều điểm trượt xảy ra khá lâu, được xác định trên ảnh viễn thám, nhưng tại thời điểm khảo sát thực địa thì khối trượt đã ổn định hoặc dừng hoạt động, nên đã được phủ kín bởi các loại thảm phủ hoặc bị xóa mờ dấu vết bởi các hoạt động nhân sinh.

Vì vậy, để nâng tính chính xác trong đánh giá trượt lở đất đai, ngoài việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như ảnh viễn thám, các nhà khoa học cho rằng, cần kiểm tra, đối sánh với các tài liệu khác hiện có và kiểm chứng thực địa.

Tăng cường trồng rừng phòng hộ

Theo các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, để phòng chống hiệu quả trượt lở đất đá, chúng ta cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô: ngoài những giải pháp về công nghệ nhằm quản lý hệ thống phân tích, chúng ta cần tiến hành phủ xanh đồi núi trọc bằng việc trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên (không trồng rừng để khai thác); hạn chế xây dựng, quy hoạch dân cư tại những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao, mật độ trượt lở xảy ra nhiều.

Nếu được cảnh báo sớm, sẽ hạn chế được những thiệt hại. Ảnh: Nam Anh.

Đối với công tác cảnh báo nguy cơ trượt, lở đất đá, cần tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân địa phương về ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của trượt, lở đất đá khi có cảnh báo cũng như trong mỗi mùa mưa bão. Tiến hành lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm trượt, lở đất, lũ quét tại những lưu vực có nguy cơ cao, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Ở Việt Nam, một số biện pháp sau có thể áp dụng tại các khu vực miền núi Việt Nam để bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm như: Di chuyển nhỏ lẻ các hộ gia đình xen kẽ vào trong các cụm dân cư an toàn, đã sinh sống ổn định. Phương pháp này ít phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho cụm dân cư, có thể tận dụng được những vùng có diện tích hạn chế để tái bố trí dân cư. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần hỗ trợ sinh kế cho người dân mới chuyển đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa công nghệ viễn thám nhận dạng sạt lở đất đá ở nước ta

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO