Đưa đầu cơ vào khuôn khổ

Minh Phương 17/08/2017 08:35

Đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế từ căn hộ thứ hai đang nhận được nhiều luồng ý kiến trong thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra quyết định đánh thuế như trên là phù hợp, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ về tình trạng đầu cơ.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh thuế này đối với nhà ở xã hội.

Phù hợp thông lệ quốc tế

Đề xuất đã được nhiều đồng thuận khi cho rằng, việc áp thuế này sẽ chỉ tác động đến giới “nhà giàu”, vì chỉ người nhiều tiền mới có thể sở hữu nhiều nhà, còn người nghèo thì không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, sẽ gây ra những bất công khi người ở nhà thật thì bị áp thuế, người sử dụng hàng nghìn m2 đất lại ngoài cuộc!

Theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước vì số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách.

Trong khi đó ở nhiều nước thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tại Canada tỷ lệ này là 4% và tại Mỹ là 1-3%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.

Tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia... thời gian gần đây có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản. Thuế tài sản được các nước đánh giá là loại thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 đô la Mỹ (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 đô la Mỹ (khoảng 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 đô la Mỹ (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên. Do đó, Bộ Tài chính đánh giá, thời điểm hiện nay việc nghiên cứu, ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, giúp xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Cần đảm bảo công bằng xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra quyết định đánh thuế như trên là phù hợp, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ về tình trạng đầu cơ. Đặc biệt, hiện nay số người sở hữu từ hai căn hộ, tài sản bất động sản trở lên chiếm số lượng không nhỏ, nên đánh thuế như vậy là hợp lý. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thu thuế theo hình thức này từ lâu.

Theo TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi biết đề xuất này cũng đã từng nêu lên nhận định rằng, xu hướng này không phải là của riêng quốc gia nào. Các nước đã đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên. Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì chắc chắn sẽ chống được đầu cơ. Cách đánh thuế này sẽ khiến nhiều người không dám tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao thì sẽ hạn chế đầu cơ. Và như vậy, thị trường bất động sản sẽ có sự chuyển động theo hướng ổn định hơn, phản ảnh đúng nhu cầu thật của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến giới chuyên gia cũng cho rằng, đánh thuế vào tài sản, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở không những giúp tăng thu cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, hạn chế nguy cơ đầu cơ mà còn giúp thị trường giảm nhiều nguy cơ tồn kho nhà ở, bong bóng bất động sản… Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng, việc đánh thuế này sẽ tạo công bằng xã hội hơn. Theo ông Đực, trong top 10 tỷ phú của Việt Nam, tài sản của các tỷ phú này chiếm 80% là bất động sản, do đó đánh thuế về bất động sản kiểu này sẽ chỉ tác động đến người giàu, còn người nghèo thì không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông Đực cũng lưu ý: Trên thực tế, khi bỏ tiền ra mua nhà, người dân đã phải nộp tiền thuế sử dụng đất, thuế xây dựng và khi có nhà còn phải nộp nhiều loại thuế khác. Do đó, đối với mỗi một căn hộ, người dân đã phải đóng đến 3,4 loại thuế. Nên nếu phải đóng thuế tài sản như đề xuất nói trên, người dân phải đóng “thuế chồng thuế”. Đó còn chưa kể việc xác định được nhà thứ hai, thứ ba của một chủ sở hữu hoàn toàn không phải đơn giản, người mua có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đứng tên… Bởi vậy, các nhà làm chính sách cần phải cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp hơn nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội.

Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến còn băn khoăn: Liệu rằng, việc đánh thuế này có nảy sinh những bất công đối với người tiêu dùng hay không? Bởi, có trường hợp người sở hữu hai, ba căn hộ diện tích nhỏ thì lại phải đánh thuế nhiều trong khi có người sử dụng hàng ngàn m2 đất thì lại không bị đánh thuế. Vì lo lắng có sự bất công này nên ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu đề xuất, không nên thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà tái định cư; nhà thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng, nhà cấp 4 trở xuống. Đồng thời, không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã nhà nhưng nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2, như vậy mới đảm bảo tính công bằng, hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa đầu cơ vào khuôn khổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO