Đua ghe Ngo - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

Th. Anh 30/10/2021 09:00

Lễ hội truyền thống đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và người Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thường diễn ra vào Rằm tháng 10 âm lịch. Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Tương truyền, tục đua ghe Ngo của người Khmer Sóc Trăng lần đầu tiên được tổ chức tại “Pem Kon Thô” tức là Vàm Dù Tho ngày nay (thuộc địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Nơi này các đội ghe Ngo của các vùng Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh tập trung về đây đều thuận lợi, ở đây có 1 con sông lớn thẳng dài, dòng nước chảy đều, có sân bãi lộ thiên và cũng là nơi ngã ba đường tiếp giáp nhau thành nơi giao thương sầm uất lúc bấy giờ.

Ghe ngo có kết cấu khởi thủy là thuyền độc mộc, làm bằng cây sao. Theo nguyên tắc, chiếc ghe Ngo dài 27 mét, hình tựa con rắn, mình thon thon, thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái lái một chút. Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 24 đôi. Đặc biệt, nghe Ngo có hai cây kềm chịu lực, thường là thân cây tràm vì cây này có độ dẻo, hai cây kềm chịu lực này giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Hai bên be vẽ hình các con vật, như Rồng, Cọp, Hỗ… hay hoa lá cách điệu.

Ở hai bên mũi ghe vẽ hình biểu tượng của ghe và ghi tên chùa. Khi xây chùa, người ta chọn một con vật làm biểu tượng và khi đóng ghe, con vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe… Ngày nay, những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa nên ghe Ngo hiện đại được đóng bằng ván cây sao. Có lẽ do kết cấu của ghe ngày nay mỏng và nhẹ hơn ghe truyền thống nên nhiều người nhận định rằng ghe ngày nay lướt nhanh hơn ghe độc mộc ngày xưa.

Ghe Ngo bao giờ cũng được bảo quản tại chùa trong một mái nhà để ghe dựng trong khuôn viên chùa. Mái che, dàn đà cao chắc chắn để che mưa nắng, phòng mối mọt. Nhà ghe là nơi thiêng liêng, ngày xưa phụ nữ không được đến gần.

Năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã thống nhất chủ trương không tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2021. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chuyên mục, chương trình văn nghệ (ca, múa nhạc, sân khấu Dù Kê, sân khấu Rô băm, Nhạc Ngũ âm) phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình, truyền hình trực tiếp phục dựng Lễ Cúng Trăng phục vụ đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung trong dịp Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo năm 2021. Quá trình thực hiện phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Đua ghe Ngo là một trong 3 lễ hội lớn của đồng bào Khmer. Trong những năm gần đây, lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng được tổ chức ngày càng quy mô. Đặc biệt là giải đua ghe Ngo thường thu hút hàng chục ghe Ngo của Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực đến tranh tài và có hàng chục ngàn lượt người đến tham gia lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đua ghe Ngo - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO