Đưa hàng Việt về từng khu dân cư

Hải Nhi 19/08/2017 10:00

Đến thời điểm này, Bắc Ninh đã có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 126/126 xã, phường và 731/731 Ban công tác Mặt trận tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thời gian tới, Mặt trận tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện Cuộc vận động trên từng địa bàn dân cư.

Siêu thị hàng Việt tại tỉnh Bắc Ninh.

Ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời gian qua MTTQ các cấp tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các tổ chức thành viên về công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động ở địa bàn dân cư. Đến nay, có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 126/126 xã, phường và 731/731 Ban công tác Mặt trận tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Công tác tuyên truyền vận động được MTTQ các cấp quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận năm 2017.

Đáng chú ý, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng tham gia tích cực Cuộc vận động, như Hội Cựu chiến binh xây dựng kế hoạch và công văn hướng dẫn các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện CVĐ.

Qua triển khai 100% hội viên doanh nghiệp CCB đều đăng ký nhận sản phẩm đầu vào là hàng nội địa để sản xuất sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt, giá thành hạ, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của xã hội. Đã vận động các doanh nghiệp, trang trại CCB sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm bảo đảm an toàn. Ngoài ra Hội CCB đã phối hợp tổ chức cho 2 cơ sở làng nghề do hội viên CCB làm chủ đưa hàng đi dự Hội chợ triểm lãm hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp lần thứ nhất do Liên minh các HTX Trung ương tổ chức tại Hà Nội và đã đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã tích cực triển khai các văn bản có liên quan của Trung ương, của Tỉnh ủy Bắc Ninh và BCĐ Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp. Chủ động phối hợp với các ngành, các công ty, doanh nghiệp trong nước tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm, tập huấn cách sử dụng và đưa các sản phẩm của Việt Nam sản xuất về bán bình ổn giá ở khu vực nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân.

Theo ông Lê Đức Kỳ, cuộc vận động vẫn tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc như: Chưa có những hoạt động tuyên truyền tập trung và quy mô lớn. Công tác phối hợp chỉ đạo của các ngành chức năng để đưa hàng Việt về phục vụ bà con nông dân còn ít, chưa có chương trình kế hoạch cụ thể. Công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng đối với những mặt hàng sản xuất tại địa phương, các mặt hàng sản xuất trong nước hiệu quả chưa cao, vẫn còn một số mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, cuộc vận động đã từng bước tạo cho người dân có những nhận thức về thói quen khi đi mua sắm hàng nội có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đồng thời cũng tạo cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sức cạnh tranh cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Ông Kỳ cũng khẳng định, thời gian tới, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện cuộc vận động gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện cuộc vận động trên từng địa bàn dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa hàng Việt về từng khu dân cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO