Đưa luật đến gần dân

Hà Nguyễn 19/10/2017 14:10

Với đặc điểm của một tỉnh vùng cao, biên giới địa bàn rộng, nhiều dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế, để khắc phục nhược điểm này, trong những năm qua, ngành tòa án tỉnh Điện Biên đã đưa những phiên xét xử bằng hình thức lưu động về gần dân hơn. Cách làm này được coi như sáng kiến và cùng với đó, nhận thức của người dân đã nâng lên rõ rệt.


Mở phiên tòa xét xử lưu động để nâng cao nhận thức cho người dân.

Theo ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh Điện Biên, việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết là thể hiện việc công khai hoạt động Nhà nước nói chung, hoạt động của tòa án nói riêng có sự giám sát của nhân dân. Từ đó góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán và những người tham gia tố tụng. Đối với quần chúng nhân dân thì đây là một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, sinh động, dễ hiểu nhất với ví dụ chứng minh cụ thể. Từ đó tự bản thân tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em mình không vi phạm pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng dân cư.”

Để thực hiện chủ trương này, năm 2017, TAND 2 cấp của tỉnh Điện Biên đã tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với bà con dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới. Tính đến ngày 31/8, TAND 2 cấp đã thụ lý 816 vụ với 1.092 bị cáo; đã giải quyết 708 vụ với 944 bị cáo. Trong đó, tổ chức xét xử lưu động 129 vụ (trên 17% tổng số vụ đã giải quyết). Một số đơn vị tổ chức được nhiều vụ xét xử lưu động như: TAND huyện Điện Biên thực hiện 42 vụ; TAND huyện Tuần Giáo 16 vụ; TAND huyện Mường Nhé và Nậm Pồ 13 vụ; TAND huyện Mường Ảng 10 vụ...

Riêng TAND tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn như kinh phí, phương tiện, nhân sự nhưng cũng đã tổ chức xét xử lưu động 10 vụ. Theo chia sẻ của Chánh án TAND tỉnh Phạm Văn Nam thì những vụ án đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án nổi cộm, có tính chất điển hình về tội danh như: Mua bán người; mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; giết người; trộm cắp... Đây là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục nhân dân về những quy định xử phạt nghiêm khắc của pháp luật đồng thời giúp bà con nhận biết những hành vi của đối tượng phạm tội hay những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội để phòng tránh. Qua đó, người dân hiểu rõ hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật sẽ tích cực, chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật, địa điểm mở phiên tòa lưu động có thể là địa bàn xảy ra vụ án, hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú để khi xét xử sẽ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa phải đề cao tinh thần dân chủ, công khai. Đồng thời phải xem xét tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương; không mở phiên tòa xét xử lưu động ở nông thôn thời điểm mùa vụ.

Xét xử lưu động là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan như ở tỉnh Điện Biên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Thông qua phiên tòa, mỗi người tham dự hiểu thêm quy định của pháp luật để hành xử đúng đắn, nhờ đó pháp luật gần dân hơn, gắn với các vụ việc, con người cụ thể, tạo niềm tin của người dân về vai trò quản lý xã hội của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa luật đến gần dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO