Đưa 'nhầm' 231 người vào Đề án hỗ trợ dân tộc Ơ Đu: Ban Dân tộc nhận thiếu sót

Điền Bắc 02/07/2020 07:39

Liên quan đến vụ đưa nhầm 231 người vào “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (Nghệ An) giai đoạn 2016 - 2025”, trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu khi xây dựng Đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018.

Hỗ trợ con giống gia súc chưa bằng nửa số tiền xây dựng chuồng trai.

Ban Dân tộc nhận trách nhiệm

Đó là thông tin được ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An trả lời với báo chí, cũng như trong văn bản số 95/BC-BDT gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An.

Cũng theo văn bản số 95, Đề án phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu được xây dựng trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế tại huyện Tương Dương từ năm 2010 đến năm 2015 và niên giám thống kê huyện Tương Dương năm 2010 ở xã Lượng Minh có 35 hộ, 189 khẩu là người Ơ Đu.

Trong khi đó, theo số liệu điều tra, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương. Trước đây, người Ơ Đu cư trú tập trung đồng nhất ở 2 bản Kim Hòa (26 hộ, 130 khẩu), bản Xốp Pột (22 hộ, 231 khẩu).

Tại thời điểm khảo sát tại xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống xen cư cùng các dân tộc Thái, Khơ Mú ở nhiều bản khác nhau, không thể đầu tư tập trung như ở bản Văng Môn, xã Nga My.

Do đó, Ban Dân tộc đã thống nhất với huyện Tương Dương lựa chọn bản Đửa (trước đây gọi là bản Đáo, nơi từng có nhiều người dân tộc Ơ Đu cùng sinh sống với dân tộc Thái và Khơ Mú), với mục đích đưa toàn bộ 45 hộ với 231 khẩu là người dân tộc Ơ Đu trên địa bàn xã Lượng Minh về tái định cư tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư, hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu.

Đặt câu hỏi với ông Hải, tại sao lại đưa bản Đửa ra khỏi Đề án. Ông Hải cho rằng, Đề án được phê duyệt từ năm 2017, nhưng đến cuối năm 2018 Trung ương mới cấp nguồn vốn triển khai thực hiện.

Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đối tượng, đúng địa bàn, đầu tháng 2/2019, Ban Dân tộc đã thành lập đoàn khảo sát thực trạng kinh tế - xã hội của dân tộc Ơ Đu nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế và phù hợp với trình độ phát triển dân tộc Ơ Đu. Qua kết quả khảo sát cho thấy: Số liệu dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh không còn đúng với Đề án được duyệt.

Vì vậy, Ban Dân tộc đã báo cáo, tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 rút bản Đửa ra khỏi diện đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025.

“Tôi khẳng định rằng, đến hôm nay (25/6/2020) bản Đửa, xã Lượng Minh chưa được đầu tư, hỗ trợ bất kỳ hạng mục nào từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu. Trong quá trình xây dựng Đề án là nhiệm vụ chuyên môn nên cũng không sử dụng kinh phí nào của dự án. Để dẫn đến những thiếu sót đó, trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu khi xây dựng Đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018. Các nội dung trên cũng đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An làm rõ” - ông Hải cho biết thêm.

Những hạng mục tiền tỷ

Nếu như việc đưa nhầm 231 người ở xã Lượng Minh vào Đề án là một thiếu sót thì việc triển khai Đề án tại xã Nga My lại nhận được dư luận trái chiều về tính hợp lý của Đề án. Cụ thể, theo Quyết định 2618/QĐ-UBND, ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân bổ kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019, tổng số tiền được phê duyệt là 28,1 tỷ đồng. Quyết định này được chia thành 2 hợp phần gồm Hỗ trợ phát triển sản xuất và Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào.

Trong phần hỗ trợ sản xuất có 6 nội dung, bao gồm hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài, số tiền là gần 13 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí là hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng…

Quá trình tìm hiểu được biết, tại bản Văng Môn, xã Nga My, riêng hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài được xây dựng với số lượng là 67 chuồng, bình quân gần 260 triệu đồng/1 chuồng.

Nếu như 67 chuồng trâu, bò có trị giá 13 tỷ đồng thì hạng mục hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (gồm kinh phí vắc xin tiêm phòng) chỉ vẻn vẹn hơn 5,1 tỷ đồng - tức là chưa bằng nửa số tiền mà dự án đã bỏ ra để xây dựng chuồng trại. Khi được hỏi, đến thời điểm này số tiền giải ngân cho Đề án là bao nhiêu thì ông Lương Thanh Hải cho biết, ông không nhớ chính xác tổng số tiền nhưng đã giải ngân gần hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa 'nhầm' 231 người vào Đề án hỗ trợ dân tộc Ơ Đu: Ban Dân tộc nhận thiếu sót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO