Đưa Phật giáo gần hơn với người dân qua công nghệ 4.0

Hải Nhi 13/05/2019 17:23

Những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và hoằng pháp, góp phần đưa Phật giáo tới gần hơn nữa sinh hoạt, đời sống người dân.

Đưa Phật giáo gần hơn với người dân qua công nghệ 4.0

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Ngày 13/5, tại điện Tam Thế chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với 5 Diễn đàn thu hút gần 400 tham luận của lãnh đạo Phật giáo thế giới, quan chức cấp cao, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đáng chú ý diễn đàn 4 với chủ đề: “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0” được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc thêm vai trò của Phật giáo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như vai trò của Phật giáo Việt Nam nói riêng trong đời sống xã hội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng: Phật giáo khơi dậy tinh thần dân tộc vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thay đổi trong xã hội thực mà thế giới ảo tạo ra đang tác động không nhỏ đến sức mạnh văn hoá tinh thần, trong khi văn hoá và tinh thần dần tộc đang được xem là “sức mạnh mềm”, và được kỳ vọng sẽ là đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. “Tư tưởng, triết học, thế giới quan, nhân sinh quan, các triết lý nhân văn, hướng thiện của Phật giáo đều có thể phát huy rất tích cực giá trị của mình trong việc khắc chế những tác động tiêu cực nêu trên”, ông Phan Tâm khẳng định.

Cũng tại diễn đàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam nêu cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững - thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh những ưu điểm, Thượng toạ Thích Đức Thiện cho rằng, vẫn còn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truyền bá chính pháp của đức Phật.

Nêu giải pháp khắc phục, Thượng toạ Thích Đức Thiện đề xuất, Phật giáo các nước và các tổ chức hay hội đoàn Phật giáo quốc tế có uy tín nên công bố những trang truyền thông chính thống của mình để làm cơ sở tra cứu chuẩn mực cho Phật tử khắp nơi. Những trang này có thể đăng tải các tài liệu về Phật giáo hay các bài thuyết pháp chính pháp có chất lượng về âm thanh, hình ảnh cũng như tạo ra các mục nhằm trao đổi và giải đáp những thắc mắc của người đọc hay người tìm hiểu về Phật pháp.

Ngoài ra, trong chương trình giảng dạy, ngoài những tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cũng cần được cập nhật những giáo lý về toán học, y học, công nghệ IT … để Phật tử có thể cảm nhận rõ ràng về sự tiến bộ, khoa học của Phật giáo trong bối cảnh xã hội mới. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Phật giáo.

Đưa Phật giáo gần hơn với người dân qua công nghệ 4.0 - 1

Quang cảnh Hội thảo.

Đánh giá cao tính ưu việt của cách mạng 4.0 trong công tác hoằng pháp, Hoà thượng Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương GHPG Việt Nam - Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho rằng, tại sao không dùng truyền thông số, không dùng mạng xã hội để chuyển tải giáo pháp Phật đến với họ?

Điều quan trọng nhất của người làm truyền thông Phật giáo, người Phật tử sử dụng mạng xã hội là luôn phải Tỉnh Thức. Phải nắm rõ mục đích và tôn chỉ của mình, đó là đem đến sự an lạc cho mọi người, mang lại sự lợi ích cho số đông… “Nếu như chúng ta có thể sử dụng công nghệ mạng internet, sử dụng mạng xã hội để hoằng pháp thì chúng ta sẽ mang ánh sáng chánh pháp đến với nhiều người một các nhanh nhất. Như vậy, so với việc hoằng pháp truyền thống như từ trước đến nay, rõ ràng đây là cuộc cách mạng lớn”.

Khẳng định vai trò của Phật giáo Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đánh giá: Với vai trò là một tôn giáo lớn của đất nước, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo còn góp phần xây dựng niềm tin và sự tự tin của con người, dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước hùng cường. Niềm tin và sự tự tin sẽ khơi dậy tinh thần của dân tộc, góp phần tạo ra sức mạng vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặt khác khi đất nước thịnh vượng thì tôn giáo cũng sẽ có điều kiện phát triển. Những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và hoằng pháp, góp phần đưa Phật giáo tới gần hơn nữa sinh hoạt, đời sống người dân.

Với tham luận “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Góc nhìn Phật giáo xây dựng xã hội bền vững và hạnh phúc” học giả Peter Leonard Daniels (Australia) đã làm nổi bật vấn đề tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. Ông cho rằng cuộc cách mạng này liên quan đến nhiều lợi ích xã hội, ảnh hưởng đến hầu hết người dân thế giới cũng như đến môi trường tự nhiên và nhân tạo nơi họ sinh sống.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không dễ được định nghĩa và phân biệt rõ ràng, nhưng thường có đặc trưng là sự “xóa nhòa ranh giới” giữa hai thế giới thực tế và kỹ thuật số. Sự kết nối lẫn nhau và ảo hóa cũng là chìa khóa trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, học giả Peter Leonard Daniels chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa Phật giáo gần hơn với người dân qua công nghệ 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO