Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi thuế đã được đưa ra để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là để cạnh tranh, một cuộc đua đưa thuế về đáy trở thành phổ quát ở các nước thuộc khối ASEAN, trong đó có cả Việt Nam.
Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020. Ngoài việc cắt giảm thuế suất thuế TNDN, việc áp dụng các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận để thu hút FDI, như ân hạn thuế cũng rất phổ biến ở quốc gia ASEAN.
Chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế. Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% ở Việt Nam
Như vậy ưu đãi thuế cho các DN nước ngoài tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP, tương ứng với khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm.
Một nghiên cứu của các chuyên gia Oxfam cũng chỉ ra rằng ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm DN có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến và chế tạo, có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu vực công nghiệp.
Có thể nhận thấy ưu đãi thuế TNDN cho các DN nước ngoài ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khoá đáng kể.
Trong báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), khu vực ASEAN đang đối mặt với những thách thức lớn trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh những khủng hoảng về kinh tế và y tế, dòng vốn FDI đổ vào các quốc gia đang phát triển của châu Á được dự đoán sẽ giảm xuống 30-40% và nguồn thu ngân sách từ thuế đang gặp khó khăn lớn.
Chính vì vậy đang xuất hiện tình trạng các quốc gia khối ASEAN cạnh tranh nhau trong cuộc đua giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia mà không đem lại lợi ích thực sự.
Những ưu đãi thuế và phi thuế không cần thiết ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu nội địa của các quốc gia. Theo các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các nước ASEAN cần ngăn chặn cuộc cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi về đất đai để thu hút FDI, bởi chúng gây ra những tác động tiêu cực đối với cộng đồng bản địa tạo ra xung đột đất đai và bất bình đẳng trong thu nhập. Miễn tiền thuê đất nên được loại bỏ dần khỏi các gói ưu đãi đất đai.
Thay vì đưa ra các ưu đãi về đất đai, các nước ASEAN cần phối hợp sử dụng nguồn lực và ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng như đường và các tiện ích dịch vụ, đặc biệt trong các khu công nghiệp và kinh tế, nhằm mục đích thu hút FDI.
Để ngăn chặn cuộc đua này, các nước ASEAN cần quy định một mức thuế TNDN tối thiểu và đảm bảo không đưa ra các ưu đãi thuế TNDN khiến cho thuế trung bình thực nộp hạ xuống dưới mức thuế suất tối thiểu. Tỷ lệ thích hợp được đề xuất nằm trong khoảng 12,5% đến 20%.
Điều này sẽ bảo vệ nguồn thu từ thuế của các quốc gia.