Đùm bọc nơi xứ người

Nguyên Hương 09/07/2017 08:10

“Người Việt mình rất tình cảm và giàu lòng trắc ẩn. Dù đi đến đâu, dù trong cảnh mưu sinh nơi xứ người vẫn luôn giữ cái tinh thần “là lành đùm lá rách”, sẵn sàng dang tay giúp đỡ đồng hương trong cơn khốn khó, hoạn nạn”, Bondnguyen chia sẻ.

Quán Quê Việt ở Anh – nơi bà con kiều bào thường gặp mặt để chia sẻ về cuộc sống ở nước sở tại cũng như có các hoạt động hướng về quê hương. Ảnh: Lộc Hoàng.

1. Nói về sự đoàn kết của người Việt không thể không kể đến cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga. Người Việt ở Nga có số lượng đông đảo. Trên 10 vạn người sinh sống và học tập tại đây. Tuy ở chỗ này chỗ khác, đôi khi cũng xảy ra xích mích, nhất là số người mới đến Nga, nhưng về cơ bản cộng đồng người Việt ở Nga có truyền thống đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau, luôn hướng về Tổ quốc.

Ở Nga có những thời điểm không ít sóng gió. Cuộc sống của cộng đồng người Việt cũng vì thế mà bị ảnh hưởng ít nhiều. Có không ít trường hợp làm ăn thua lỗ, trắng tay, không còn đồng rúp nào sinh sống, song nhờ lòng hảo tâm quyên góp của bà con, người ít , người nhiều, họ cũng đứng được. Nhiều người qua cơn bĩ cực như vậy đã trấn tĩnh lại, tiếp tục được bà con cưu mang cho vay vốn làm ăn, nay cũng khá giả, có bát ăn bát để, có tiền gửi về nước cho gia đình.

Còn ở Séc, tinh thần đại đoàn kết cũng rất được đề cao. Anh Thiều Văn Quang, người đã sống và làm việc nhiều năm ở Séc cho biết: Nghĩa cử rất đáng trân trọng là các hoạt động truyền thống, đạo lý tương thân tương ái được bà con Người Việt ở đây duy trì và phát triển rất tốt. Mỗi khi có những trường hợp ốm đau, tai nạn lao động… bà con đều chung tay quyên góp giúp đỡ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Có trường hợp, bệnh hiểm nghèo, không thể qua khỏi, Chi hội người Việt ở đó đã tổ chức quyên góp và chỉ trong 5 ngày đã đủ số tiền để trang trải chi phí cho bệnh nhân về Việt Nam.

Không chỉ ở gần nhau mới nảy sinh tình cảm. Có những người chưa hề gặp mặt nhau nhưng nhờ mạng xã hội họ biết đến nhau, cảm thương số phận của nhau để sẻ chia, giúp đỡ. Bondnguyen một thành viên của cộng đồng người Việt tại Đan Mạch cho biết, ở Đan Mạch mới xảy ra một cái chết thương tâm của người phụ nữ trẻ người Việt. Người phụ nữ này qua đời khi vừa bước qua tuổi 30. Chị ra đi để lại 2 đứa trẻ, đứa chưa được 2 tuổi, đứa bé chưa đến 8 tháng tuổi. Hoàn cảnh của người phụ nữ xấu số thật đáng thương, lấy chồng người bản địa, không người thân, họ hàng, bạn bè.

Khi thông tin này được chia sẻ trên facebook, cộng đồng người Việt không ai bảo ai, lặng lẽ cóp nhặt những đồng tiền ít ỏi của mình tổ chức tang lễ cho người phụ nữ này. Đồng thời một số người đứng ra quyên góp, bảo lãnh xin visa cho người thân của người đã khuất sang Đan Mạch đưa tro cốt chị về quê hương.

“Người Việt mình rất tình cảm và giàu lòng trắc ẩn. Dù đi đến đâu, dù trong cảnh mưu sinh nơi xứ người vẫn luôn giữ cái tinh thần “là lành đùm lá rách”, sẵn sàng dang tay giúp đỡ đồng hương trong cơn khốn khó, hoạn nạn”, Bondnguyen chia sẻ.

2. Sở dĩ số lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước là bởi người Việt ở nước ngoài không bao giờ quên nhiệm vụ giúp nhau “xóa nghèo”. Anh Bùi Đình Tuấn quản lý Nhà hàng Quê hương ở Thủ đô Warszawa, Ba Lan chia sẻ quán Quê Hương được khai trương từ năm 2001. Với diện tích mặt sàn gần 1000 m2, 19 nhân viên người Việt và 8 nhân viên người Ba Lan, ngoài kinh doanh ăn uống, với các món ăn mang đậm truyền thống Việt, nơi đây thường tổ chức các cuộc sinh nhật, đám cưới…

Với địa thế đẹp, chủ quán lại chân thành, cởi mở, gần gũi nên người Việt ở khắp nơi trên đất nước Ba Lan thường đổ dồn về Thủ đô trong các dịp lễ, tết và tụ họp tại đây. Người Việt ở các nước Đông Âu và Tây Âu cũng thường xuyên tụ họp ở đây mỗi khi có dịp tham quan hay làm ăn buôn bán tại Ba Lan.

Ở Ba Lan, rất ít nhà hàng, khách sạn có món ăn phù hợp với người Việt, nên Quê hương cũng là quán ăn thường xuyên đón các đoàn công tác từ Việt Nam sang. Chính vì vậy quán được người Việt ở đây gọi với cái tên thân thương- Quê hương- ngôi nhà Việt, là trung tâm để bà con thăm hỏi nhau, chia sẻ cách làm ăn buôn bán, cập nhật thông tin về quê hương, đất nước, về chủ trương chính sách của nước sở tại, cũng như giao lưu với bạn bè Ba Lan…

Không chỉ món ngon làm nên bản sắc quán Quê hương. Cái tên Quê hương đã hàm chứa nội hàm của nó. Theo anh Tuấn, người Việt mới sang Ba Lan, nếu chưa có việc làm có thể đến với Quê hương. Quê hương sẽ tạo việc làm ổn định, nếu đồng hương có nhu cầu. Với các bạn du học sinh cũng vậy, nhà hàng luôn rộng cửa đón người trẻ có chí, có sức khỏe, muốn tăng thu nhập.

3. Chỉ giúp người Việt ở xứ người chưa đủ, những năm qua, cộng đồng người Việt ở khắp năm châu đã đoàn kết lại, chia sẻ làm vơi bớt khó khăn của đồng bào trong nước. Thế nên, hễ quê nhà gặp khó khăn, hoạn nạn, những người con xa lại có đóng góp, quyên góp ngay lập tức một khoản tiền không nhỏ chuyển về trong nước. Có được điều này, theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Séc là sự ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa người Việt luôn chất chứa trong tim kiều bào.

Muốn giữ được bản sắc, có rất nhiều việc phải làm, đó là giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn và duy trì nền nếp gia phong, phong tục tập quán. Tất cả những điều này được kiều bào ở Séc nhận thức được và luôn có những việc làm cụ thể để phát huy truyền thống.

Đề giữ truyền thống, không chỉ tồn tại trong nếp nhà các gia đình người Việt mà phải trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo đó, Hội người Việt Nam ở Séc thường tổ chức những hoạt động lớn thấm đẫm văn hóa nguồn cội. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Rằm trung thu... những điệu dân ca, các bài hát Việt, các màn múa sư tử, rước đèn trung thu, đấu cờ, võ cổ truyền…được ngân vang giữa trời tây, giúp bà con nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đùm bọc nơi xứ người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO