Đứng dậy trong trạng thái mới

Thư Hoàng 20/09/2020 08:10

Dù đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và vẫn cần đề phòng, song các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã bắt đầu trở lại với nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn trong trạng thái “bình thường mới”.

Tác phẩm “Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp”, tác giả Kù Kao Khải. tại Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn.

1. Thực ra, những nỗ lực vượt qua một năm dịch bệnh chưa từng có như năm nay đã được nhiều đơn vị âm thầm chuẩn bị, song những làn sóng Covid-19 ập đến khiến các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo để phòng, tránh dịch bệnh.

Ở làn sóng thứ nhất, một số đơn vị đã chuyển hướng phục vụ online, tuy nhiên hình thức này chỉ là giải pháp tình thế. Khi Covid-19 tạm thời lắng xuống, hồi tháng 5/2020, Bộ VHTTDL đã triển khai kế hoạch trong đó yêu cầu 12 nhà hát thuộc Bộ lần lượt có các vở diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả. Theo kế hoạch này, danh sách các vở diễn, chương trình nghệ thuật gồm các vở như “Bệnh sĩ” (Nhà hát Kịch Việt Nam); chương trình “Mặt trời phương Đông” (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam); “Vân dại” (Nhà hát Chèo Việt Nam); “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Hồ Thiên nga” (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); Cướp biển” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); “Tháng 6 trời mưa” (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam); chương trình “Nhịp điệu ATK” (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc); “Chuyện tình Khau Vai” (Nhà hát Cải lương Việt Nam)…

Khi kế hoạch này còn chưa kịp hoàn tất thì cuối tháng 7 vừa qua làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 quay trở lại khiến đời sống nghệ thuật biểu diễn một lần nữa rơi vào tình trạng “đóng băng”. Phải đến thời điểm này, trong nhiều ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thì các sân khấu mới bắt đầu sáng đèn trở lại.

Trong đó, Sân khấu Lệ Ngọc là một trong những đơn vị sáng đèn sớm nhất. Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã diễn vở “Huyền thoại Gò Rồng ấp” tại Nhà hát Lớn Hà Nội thu hút đông khán giả tới thưởng thức. Hiện nay, đơn vị này đang bán vé cho các đêm diễn 21, 22 và 23/9. Đồng thời, đơn vị này cũng còn xen kẽ diễn vở “Tình bạn và công lý” để khán giả có thêm lựa chọn. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho Tết Trung thu, vở “Tấm Cám” cũng đã được đơn vị này xây dựng và quảng bá rầm rộ.

Nỗ lực gượng dậy sau hơn nửa năm “đóng băng” được lãnh đạo nhiều nhà hát quan tâm. Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ cũng sớm tung ra “thực đơn” nghệ thuật hấp dẫn. Đáng chú ý nhất là vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết. Đây là tác phẩm được chuẩn bị công phu trong thời gian qua, chỉ chờ dịch bệnh lắng xuống để công diễn. “Trại hoa vàng” chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vở diễn “Trại hoa vàng” đã quy tụ đông đảo các diễn viên ca - múa - kịch của Nhà hát Tuổi trẻ với thông điệp “Hãy khám phá chính mình, sống có ước mơ và trọn vẹn ước mơ ấy”, vở kịch không chỉ chỉ hướng đến những khán giả trẻ mà còn là chiếc vé cho chuyến tàu trở về thanh xuân của những khán giả trưởng thành.

Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ còn tiếp tục sáng đèn vào tối 19/9 để phục vụ công chúng với việc diễn vở “Ai là thủ phạm” - một trong những tác phẩm sân khấu đặc sắc của cố tác giả Lưu Quang Vũ qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Chí Trung.

Còn tại Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đã khởi động lại các “Chiếu chèo” được tổ chức vào mỗi thứ 6 hằng tuần với các trích đoạn tiêu biểu theo từng chủ đề. Tối 28/9, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ công diễn vở chèo “Trinh nguyên” - một tác phẩm được dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020.

2. Ở các lĩnh vực văn hóa khác cũng đã có chuyển động. Cuối tuần này, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chính thức hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng để phòng, tránh lây lan dịch bệnh.

Tuần qua, vòng sơ tuyển cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2020” đã được diễn ra. Cuộc thi năm nay có điểm mới là đặc cách cho thí sinh đã đoạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc uy tín khác không phải thi vòng sơ tuyển mà vào thẳng vòng bán kết... Sau khi phát động từ tháng 7/2020, cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” thu hút hơn 400 người đăng ký tham gia, trong đó có 39 thí sinh được xem xét đặc cách vào thẳng vòng bán kết. Ngay sau lễ khai mạc, các thí sinh bước vào vòng sơ tuyển, dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 17 đến 19/9, để chọn ra người xuất sắc vào vòng bán kết. Nhằm bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, BTC yêu cầu mọi người có mặt tại cuộc thi phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, được kiểm tra thân nhiệt và thực hiện ngồi giữ khoảng cách trong hội trường. Vòng bán kết của cuộc thi dự kiến tổ chức vào ngày 24 và 25/9 với phần biểu diễn của các thí sinh có nhạc đệm.

Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật cũng đã trở lại. Đáng chú ý là Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn vừa khai mạc chiều 18/9 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là triển lãm nghệ thuật điêu khắc quy mô nhất trong 10 năm qua của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, quy tụ hơn 60 tác phẩm đương đại đặc sắc của 32 tác giả tiêu biểu đến từ hai đầu đất nước. Triển lãm năm nay quy tụ số lượng tác giả - tác phẩm đông đảo nhất kể từ trước đến nay với sự góp mặt của 32 nhà điêu khắc nổi tiếng cùng 63 tác phẩm trưng bày. Phần lớn các tác phẩm được sáng tác trong năm 2020, mang dáng dấp và hơi thở của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đương đại. Đáng chú ý, với sự tham gia hùng hậu của lớp nghệ sĩ trẻ sinh năm 1980-1990, Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn hứa hẹn đem đến làn gió mới, những góc nhìn mới dành cho người yêu nghệ thuật.

Điểm nhấn của triển lãm năm nay không chỉ nằm ở số lượng, mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng, như: Kim loại, gỗ, đá, gốm, composite, sợi thủy tinh… Các tác phẩm chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống: Từ những vấn đề phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn, những khao khát…, qua đó phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại.

Nhà nghiên cứu - phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Sự phát triển trong hoạt động của nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động chính là sự ghi nhận về các cá nhân - những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”.

Thông qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày nghệ thuật cho thấy sự gượng dậy của các đơn vị sau hơn 8 tháng dịch bệnh hoành hành. Những kịch mục hoặc các hoạt động biểu diễn mới cũng cho thấy những tìm tòi, sáng tạo mới. Tuy nhiên, vẫn kỳ vọng những đột phá có tính sáng tạo mới để hấp dẫn nhu cầu ngày càng cao của công chúng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứng dậy trong trạng thái mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO