Đừng để luật bị 'nhờn'

H.Vũ 17/01/2022 06:30

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh “bỏ cọc” đấu giá đất Thủ Thiêm không phải lần đầu. Trước đó Tân Hoàng Minh cũng đã từng “bỏ cọc”… Theo ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để đề xuất, sửa đổi, bổ sung luật sao cho phù hợp với thực tiễn, không để tồn tại những kẽ hở trong đấu thầu.

Ông Phạm Văn Hòa.

PV: Thưa ông, vi phạm của ông Đỗ Anh Dũng đã từng diễn ra nhiều lần trước đây, song đến nay vẫn tái phạm. Phải chăng do các quy định của pháp luật chưa nghiêm hay có sự nhờn luật?

Ông Phạm Văn Hòa: Đây là một trong những tên tuổi tầm cỡ đại gia về bất động sản, song cách làm ăn như vậy cho thấy uy tín “có vấn đề”. Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng nhiều lần bỏ cọc đấu giá, cách hành xử này có tương xứng với tên tuổi của một tập đoàn lớn, có tên tuổi của đất nước?. Chấp nhận đấu giá dù là lớn hay nhỏ thì nên thực hiện theo chứ không nên bỏ giá lên như vậy, sau đó trúng thì lại “bỏ cọc”. Trong dư luận có ý kiến cho rằng Tân Hoàng Minh bỏ giá cao như vậy để bất động sản bị đẩy giá lên cao, từ đó những mảnh đất của Tân Hoàng Minh cũng sẽ “ăn theo” giá cao đó. Nhiều ý kiến cho rằng đây là scandal để nâng giá trị bất động sản.

Vậy phải chăng luật pháp còn bộc lộ nhiều kẽ hở, thưa ông?

- Các sai phạm khi bị phát hiện sẽ đều bị xử lý. Thuận mua vừa bán. Đã mua phải thực hiện theo mua - bán, vì đó còn là uy tín của doanh nghiệp. Và đây không phải là lần đầu Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá. Như tôi đã nói, điều đó là chưa xứng đáng với tầm vóc của một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trong vụ Tân Hoàng Minh theo tôi luật pháp có sơ hở, chưa đủ mạnh, và chưa lường hết được vấn đề đó. Chế tài đối với người bỏ cọc thì chỉ bị mất tiền cọc chứ không bị xử phạt, hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu pháp luật có quy định rạch ròi đến mức phải bị xử phạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý hình sự. Cùng với đó là các biện pháp như rút giấy phép kinh doanh. Đây là cái mà Luật Đấu giá tài sản và Luật Đấu thầu sắp tới sửa đổi phải có những điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Một số ý kiến cho rằng, đối với những vi phạm như vậy sẽ xử phạt rất nặng vì những thiệt hại gây ra là rất lớn, làm lũng đoạn thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Mỗi nước có những quy định riêng và khác nhau. Nhưng rõ ràng trong các sự việc trên đã bộc lộ những kẽ hở trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Luật chưa đủ sức răn đe. Luật ban hành nhưng chúng ta chưa kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những bất cập trong luật để làm sao xử lý hài hòa giữa các mối quan hệ: Doanh nghiệp, nhà nước, người dân. Luật phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người yếu thế.

Hiện nay theo quy định thì Tân Hoàng Minh trúng thầu nhưng có quyền bỏ thầu, và chỉ bị mất phần đặt cọc. Chấp nhận bỏ cọc là xong. Cách hành xử như vậy là thiếu uy tín đối với một tập đoàn mang tầm cỡ quốc gia như Tân Hoàng Minh.

Tôi xin nhấn mạnh rằng dám chấp nhận mất 600 tỷ đồng là số tiền không phải là ít. Nhưng bên trong của việc bỏ cọc là cái gì – thì đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước liên quan đến 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội. Việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không? Lừa đảo hay thâu tóm, móc ngoặc, bao che hay không?... thì các cơ quan công quyền sẽ tiếp tục làm rõ.

Đây không chỉ là vấn đề đạo đức kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Vậy tới đây khi sửa Luật Đấu giá tài sản và Luật Đấu thầu, cần lưu tâm đến vấn đề gì, thưa ông?

- Hiện Luật Đấu giá tài sản và Luật Đấu thầu đã nằm trong danh mục chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội lần này. Bây giờ cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thấy vấn đề nào không phù hợp thì Chính phủ cần rà soát để đề xuất, sửa đổi, bổ sung sao cho cụ thể. Do đó lần này cần sửa đổi làm sao có những chế tài đủ cứng rắn, thích đáng để những người trúng giá tài sản, trúng thầu xây lắp, trúng thầu xây dựng không được bỏ thầu. Nếu bỏ thì phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để luật bị 'nhờn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO