Đừng để những ngành kinh tế có tiềm năng phải chờ đợi hỗ trợ

Nhóm PV 03/07/2020 10:41

“Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ phổ thông. Trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Sáng 3/7, phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khoá IX, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam cần tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, MTTQ Việt Nam đã thu được nhiều thành công từ việc phát huy vai trò của mình, xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, nhìn lại 6 tháng qua, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, vai trò của các tổ chức đại diện khối doanh nghiệp cần được nhìn nhận rõ hơn.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiệm vụ đặt ra cho cả nước là phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tái thiết nền kinh tế. Trong đó, vai trò của các y bác sĩ là những người ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, còn trong công cuộc tái thiết, phục hồi nền kinh tế, tuyến đầu chính là những doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung thêm những nhận định, đánh giá về doanh nghiệp, những thành công doanh nghiệp đã đạt được trong thời gian qua.

Nhấn mạnh tới ý nghĩa to lớn với các doanh nghiệp từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do MTTQ Việt Nam phát động, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị MTTQ Việt Nam cần phát động các tháng cao điểm nhằm thực hiện cuộc vận động để phong trào này liên tục được triển khai, từ đó nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của cuộc vận động này.

Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề cập đến một số năng lực thể chế trong sự thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, hầu như các bộ Luật hiện nay không có sự đột phá trong thể chế. Nhiều tổ chức thành viên đã có kiến nghị về việc chồng chéo các quy định pháp luật và các hạn chế, khó khăn khác.

Vì vậy, MTTQ cần tăng cường tham gia giám sát, góp ý vào các văn bản pháp luật, làm sao để khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhanh nhất, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

“MTTQ Việt Nam cần tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ phổ thông. Trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ. Những doanh nghiệp thuộc các ngành khác đang thiếu vốn, gặp khó khăn sẽ có thể bị các doanh nghiệp khác thâu tóm gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do đó, gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Ông Lý Ngọc Minh phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty TNHH Minh Long 1 cũng khẳng định, sau thành công bước đầu phòng chống dịch Covid-19 vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là phục hồi nền kinh tế, khôi phục sản xuất.

Ông Minh nêu thực tế, sau đại dịch có nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, nhiều tập đoàn lớn đang lung lay. Những ngành như hàng không, du lịch phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Để từng bước phục hồi nền kinh tế, ông Lý Ngọc Minh cho rằng cần kích cầu du lịch để thúc đẩy kinh tế. Hiện Việt Nam đang là điểm sáng, là một câu chuyện thần kỳ đối với thế giới về việc khống chế dịch thành công, không có bệnh nhân tử vong.

“Bước đầu nên cho những nước tạm ổn định dịch đến với Việt Nam để phát triển du lịch, đây chính là cơ hội vàng để chúng ta khẳng định vị thế và mang lại niềm tin tới các nước trên thế giới” - ông Lý Ngọc Minh kiến nghị.

Ông Lý Ngọc Minh cũng cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, như phát hành trái phiếu lãi suất thấp cho ngân hàng để ngân hàng có vốn cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp, giảm thuế để ổn định những mặt hàng thiết yếu giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để những ngành kinh tế có tiềm năng phải chờ đợi hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO