Đừng để phải xin lỗi trò

Tinh Anh 13/12/2020 07:25

Mới đây, đoàn công tác của Sở GDĐT tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với tập thể cốt cán Trường THPT Vĩnh Xương (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu), họp kiểm điểm, phân tích những sai phạm của BGH trong sự việc nữ sinh Y tự tử một cách thấu đáo, hợp lý hợp tình và thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng và Hiệu phó.

Kết quả, tập thể cốt cán Trường THPT Vĩnh Xương đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hùm và kỷ luật khiển trách đối với Hiệu phó Nguyễn Ngọc Hạnh. Từ căn cứ này, Hội đồng kỷ luật của Sở GDĐT tỉnh An Giang sẽ họp và quyết định hình thức kỷ luật chính thức với ông Hùm và bà Hạnh.

Thực ra, dư luận xã hội cũng như gia đình nữ sinh Y. không hề muốn có một kết cục đáng tiếc như vậy. Việc kỷ luật cảnh cáo và khiển trách đối với Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường THPT Vĩnh Xương có thể nói là tương xứng, không quá nặng, cũng không quá nhẹ, bởi hành vi mà họ gây ra chưa để lại hậu quả nghiêm trọng.

Song, vấn đề ở đây cần bàn đến chính là sự tổn thương của nữ sinh Y. và gia đình em. Với gia đình và người thân của nữ sinh Y., họ sẽ mau chóng nguôi ngoai và dần quên đi chuyện không vui này. Nhưng còn bản thân nữ sinh thì sao? Liệu em có thể tiếp tục đến trường, gặp lại bạn bè cùng lớp sau sự cố này không?

Nếu như các bạn đều là người tốt, được gia đình dạy dỗ đàng hoàng, không cố khơi lại nỗi đau của nữ sinh Y., may ra em còn có thể gắng gượng quên đi chuyện đã qua để tiếp tục đến lớp. Song, chỉ cần một vài bạn trong số đó lại lên mạng xã hội chỉ trích, bình phẩm về sự việc trên như cô giáo chủ nhiệm từng làm, liệu nữ sinh Y. sẽ đối mặt ra sao?

Ngay cả khi nữ sinh Y. có được gia đình cẩn thận cho chuyển trường, liệu câu chuyện rùm beng trên báo chí như vậy có giấu được mọi người? Đến trường mới, lớp mới, người ta lại chỉ trỏ, bàn tán xì xầm thì thật khổ cho em. Khi đó, vết thương trong lòng em sẽ không những không lành, mà còn bị khoáy sâu hơn vô cùng đau nhức.

Cũng may cho nữ sinh Y. và gia đình là Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương Nguyễn Việt Hùm đã biết cầu thị, nhận lỗi với cô học trò nhỏ và gia đình. Hy vọng, sự cầu thị của người cao nhất Trường THPT Vĩnh Xương sẽ là “cứu cánh” để nữ sinh Y. không phải chuyển sang một ngôi trường khác học tập.

Cầu thị là tốt, biết sai nhận lỗi để sửa là điều đúng đắn nên làm. Song, nếu Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường THPT Vĩnh Xương và cô giáo chủ nhiệm lớp 10A4 Huỳnh Thị Thu Huệ tự nhận thức được đâu mới là việc làm đúng ngay từ đầu, có lẽ sự việc đáng tiếc đã không xảy ra. May mà chưa xảy ra hậu quả chết người, nếu không lời xin lỗi phỏng có ích gì?

Với những người bình thường thì đôi khi còn có thể châm chước lời nói và hành động “lỗ mãng”. Nhưng với nhà giáo thì lại không được phép có những sai lầm như vậy, bởi các thầy cô giáo là những người đang đảm trách sự nghiệp “trồng người”. Chỉ cần mỗi lời nói thô bỉ, mỗi việc làm thiếu suy nghĩ của thầy cô sẽ dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Hậu quả đó có thể xảy ra như “kịch bản” của nữ sinh Y. ở Trường THPT Vĩnh Xương, nhưng cũng có thể chỉ âm ỉ, ngấm dần vào tâm hồn trẻ thơ để rồi sau này ra đời chúng sẽ là những đứa con ngỗ ngược, những người gây hại cho xã hội. Vậy nên, mong rằng mỗi giáo viên hãy giữ trọn đạo làm thầy, đừng bao giờ để đến mức phải xin lỗi trò!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để phải xin lỗi trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO