Đừng đố kỵ với người tài

H.Vũ (thực hiện) 05/03/2022 09:00

Tháng 3 này Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thu hút nhân tài chỉ là “mới đầu”, còn quan trọng là tạo dựng môi trường làm việc.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV:Theo quan điểm của cá nhân ông, Đề án cần quan tâm hoàn thiện đến những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước kia chúng ta đã có Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Theo đó, nhiều địa phương đã có đề án cho những thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đi học ở nước ngoài. Thế nhưng số trở về cũng rất ít, thậm chí có nhiều trường hợp không về nước mà trả lại tiền học. Chưa kể dù có chính sách về nhà cửa đi kèm nhưng cũng chỉ có 10% ở lại làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Đến nay thì Bộ Nội vụ đang dự thảo, lấy ý kiến về Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tôi cho rằng việc thu hút chỉ là “mới đầu”, còn quan trọng là tạo dựng môi trường làm việc và thực sự trân trọng người tài và chế độ đãi ngộ.

Môi trường làm việc rất quan trọng. Nhiều khi chủ trương, chính sách là như thế nhưng khi họ về làm việc thì nhiều cơ quan coi họ là “cán bộ trẻ”, mà “trẻ” thì sai bảo là chính. Cho nên để thu hút, trọng dụng chúng ta cần tạo dựng môi trường làm việc thật tốt để họ phát huy được năng lực, không đi sang môi trường khác. Thực tế có nhiều trường hợp làm việc ở nước ngoài nhưng họ bỏ thu nhập hàng chục ngàn USD/tháng để về nước làm việc. Tức là họ không quan tâm đến thu nhập nhưng cần môi trường làm việc và được trân trọng. Nhiều địa phương cũng có chính sách đãi ngộ như phân nhà, bán nhà giá rẻ, hoặc bố trí nhà ở công vụ nhưng vẫn không thu hút được. Vì thế môi trường làm việc để người tài phát huy năng lực sở trường vẫn là yếu tố quan trọng.

Nhưng bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến vấn đề chính sách đãi ngộ sao cho tương xứng. Hiện lương của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang rất thấp. Lương thấp quá cũng khó thu hút người tài.

Thực tế nhiều người có chuyên môn giỏi nhưng năng lực quản lý lại kém. Do đó làm sao để sử dụng họ hiệu quả chứ không đơn thuần là cơ chế thu hút họ vào làm việc và cho giữ chức vụ quản lý, thưa ông?

- Đúng là có thực tế đó. Nhiều GS, TS, hay Anh hùng lao động rất giỏi về chuyên môn nhưng khi chúng ta giao cho họ giữ cương vị quản lý, lãnh đạo thì lại để xảy ra nhiều vấn đề. Bởi giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc đã quản lý giỏi. Tuy nhiên, trong thu hút người tài, chúng ta cứ mạnh dạn giao việc cho họ, về sau đó thấy họ có xu hướng nặng về chuyên môn thì ta phân công họ chỉ theo chuyên môn. Còn nếu quản lý tốt thì vừa kết hợp chuyên môn với giữ chức vụ quản lý. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, quan trọng là cần tạo dựng môi trường làm việc thực sự tốt.

Có ý kiến cho rằng chúng ta cần cơ chế “lương riêng” để thu hút người có tài năng. Quan điểm của ông thế nào?

- Theo tôi thì phải có chính sách riêng để tuyển dụng đối với người có tài năng. Ví như sinh viên tốt nghiệp loại giỏi xuất sắc, hoặc các Thạc sỹ, Tiến sỹ có trình độ khi thu hút để trọng dụng cần có cơ chế chính sách riêng, và mặt tài chính cũng phải hơn.

Đề án lần này cần nhấn đến vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thu hút người tài ra sao, thưa ông?

- Lâu nay chúng ta nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu nhưng trách nhiệm của người đứng đầu vẫn chưa được cụ thể hóa. Mới đây, Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng chỉ rõ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đã nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thu hút, sử dụng nhân tài.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong thu hút, sử dụng nhân tài rất là quan trọng. Vì phải coi trọng người đó, tạo điều kiện cho họ làm việc, biết cách sử dụng họ cho phù hợp chứ đừng đố kỵ. Nhiều khi thấy họ trẻ, làm tốt hơn mình thì lại đố kỵ kìm hãm họ. Cho nên từ người đứng đầu cho đến các cán bộ công chức cũng phải coi trọng họ. Như trước đây Dự án đưa 600 trí thức trẻ ưu tú tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã tại 64 huyện nghèo trong cả nước thì hơn 90% được đánh giá là “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” nhưng khi hết thời gian thì xã lại không muốn nhận. Cho nên đến giờ có nhiều người chưa được bố trí việc làm. Vì thế cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thu hút, trọng dụng người tài.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng đố kỵ với người tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO