Đương đầu với đại dịch Covid-19 - Bài 2: Sẵn sàng chiến dịch tiêm chủng lớn nhất

ĐỨC TRÂN 26/02/2021 07:00

Bất ngờ và tự hào, đó là cảm xúc của  người dân khi nghe thông tin năm 2021, Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Tuy nhiên, đối với ngành Y tế, đây chưa phải lúc thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, làm sao để bảo quản vaccine đúng qui chuẩn, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; làm sao sớm đẩy lùi được đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường đang là những vấn đề lớn cần giải quyết.

Bài 1: Vaccine thương hiệu Việt Nam

Cán bộ y tế trong phòng xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Trần Việt.

Chuẩn bị kỹ càng để bảo quản vaccine

Từ ngày 24/2, lô hàng gồm 117.600 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã tới Việt Nam, với sự mong chờ của nhiều người dân. Đây cũng là lô hàng đầu tiên trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine mà Bộ Y tế đã ký với AstraZeneca. Cùng với đó, với nhiều nguồn vaccine khác nhau, dự kiến, năm 2021 sẽ có 90 triệu liều vaccine được nhập về Việt Nam.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, đó là Việt Nam liệu có thể đảm bảo cơ sở vật chất để bảo quản số lượng vaccine lớn như đã nói ở trên?

Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vaccine, các thiết bị vận chuyển vaccine tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo.

Thực tế cho thấy, ngành Y tế đã có những bước chuẩn bị hết sức đầy đủ cho việc bảo quản vaccine phòng Covid-19 số lượng lớn. Theo tìm hiểu, hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của Việt Nam gồm chủ yếu các thiết bị bảo quản vaccine ở nhiệt độ từ 2 - 8°C, ước tính có thể bảo quản được khoảng 122 triệu liều vaccine Covid-19.

Cụ thể hơn, tại tuyến trung ương, tổng dung tích sẵn có là 253.000 lít, ước tính có thể bảo quản được 54 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tại tuyến tỉnh, thành phố, tổng dung tích sẵn có là 156.000 lít, ước tính có thể bảo quản được 33 triệu liều; tại tuyến quận, huyện, tổng dung tích sẵn có là 160.000 lít, ước tính có thể bảo quản được 35 triệu liều.

Đối với những loại vaccine có yêu cầu bảo quản đặc biệt, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) cho biết, VNVC có 3 kho lạnh âm sâu dưới -80 độ C với 30 tủ âm sâu và hệ thống vận chuyển chuyên dụng đã được Bộ Y tế cấp phép, sẵn sàng nhập số lượng lớn vaccine Covid-19 cần lưu trữ nhiệt độ âm sâu.

Bà Trần Thị Trung Trinh, Giám đốc Kiểm soát chất lượng VNVC khẳng định: “VNVC đã đầu tư lớn cho hạ tầng, các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn vaccine với những điều kiện bảo quản khác nhau. Ngay từ giữa năm 2020, khi dự đoán được tình hình khó khăn về vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vaccine phòng Covid-19, VNVC đã tiến hành nhập khẩu số lượng lớn thiết bị và triển khai xây dựng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh âm sâu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khi có thể nhập khẩu các loại vaccine đặc biệt. Hiện nay, VNVC đã hoàn thành hệ thống kho lạnh đặc biệt này, bổ sung thêm những mắt xích quan trọng trong hệ thống kho lạnh của VNVC”.

Lên kịch bản cho chiến lược tiêm chủng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Thời điểm này, Bộ đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm vaccine Covid-19. Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành Y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống.

Thực tế tiêm chủng thời gian qua cho thấy, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để đảm bảo chiến lược tiêm chủng thành công. Hiện nay, trên cả nước có khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng, trong đó có hơn 11.000 cơ sở tiêm chủng mở rộng và hơn 2.000 cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Số nhân lực tại các tuyến tham gia công tác tiêm chủng mở rộng khoảng 49.000 người và 10.000 người của hệ thống tiêm chủng dịch vụ… Hiện nay, nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng.

PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia chia sẻ, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vaccine. Đặc biệt, các nguy cơ đều đã được tính đến, ngành Y tế luôn dự phòng các tình huống nguy hiểm nhất, như các phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine.

PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, cán bộ y tế đã được tập huấn về việc sử dụng vaccine và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng. Việc triển khai vaccine sẽ theo tiến độ cung ứng vaccine và việc triển khai sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến.

Một khía cạnh khác cũng không kém quan trọng và rất được dư luận quan tâm, nói về chất lượng của những vaccine phòng Covid-19 sẽ được nhập về Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho biết, AstraZeneca cho rằng vaccine của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, chế độ có hiệu quả 90% bao gồm dùng trước nửa liều và sau đó dùng một liều đầy đủ, cách nhau ít nhất một tháng. Hiệu quả giảm xuống còn 62% khi tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau 1 tháng. Sau nghiên cứu mới nhất đầu tháng 2, vaccine này đạt hiệu quả bảo vệ 76% đối với những trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng chỉ sau mũi tiêm đầu tiên, và hiệu quả này kéo dài tới 3 tháng.

Cũng theo ông Phu, một số tác dụng phụ phổ biến trong các thử nghiệm lâm sàng được ghi nhận là sốt cao, nhức đầu. Tuy nhiên đây là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch. Nó thường biến mất sau một ngày hoặc lâu hơn. Các tác dụng khác gồm có buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ. Các triệu chứng như chóng mặt, chán ăn, đổ mồ hôi thường ít gặp hơn.

Giá trung bình hơn 100 nghìn đồng/liều vaccine

Thông tin từ Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, 117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam có trị giá trên 12 tỷ đồng. Lô hàng này được miễn thuế nhập khẩu và chỉ nộp 5% thuế giá trị gia tăng. Như vậy, trung bình vaccine Covid-19 có giá nhập về cảng là 102.000 đồng/liều.

Số vaccine này sẽ ưu tiên tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy máu, truy vết, lực lượng phòng, chống dịch thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng; các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đương đầu với đại dịch Covid-19 - Bài 2: Sẵn sàng chiến dịch tiêm chủng lớn nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO