Đường sắt Việt Nam lỗ gần 30 tỷ đồng nửa năm 2022

Quang Thành 22/09/2022 11:49

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo lỗ sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường sắt Việt Nam vẫn chưa dứt đà thua lỗ. Ảnh minh họa
Đường sắt Việt Nam vẫn chưa dứt đà thua lỗ. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 vừa công bố, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo tổng doanh thu của công ty mẹ đạt hơn 1.045 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số thu được từ cung cấp dịch vụ cho 2 công ty con trên chiếm đa số. Cụ thể, số thu từ cung cấp dịch vụ cho Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội hơn 522 tỷ đồng và từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn hơn 357 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tăng mạnh, chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay, cổ tức đều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ nhưng VNR vẫn kinh doanh dưới giá vốn khi báo lỗ sau thuế hơn 29,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 104 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Kết quả kinh doanh này không nằm ngoài dự kiến của ban lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong năm 2022, VNR dự kiến tổng doanh thu đạt 1.622 tỷ đồng và lỗ sau thuế 570 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm. Do đó, nhiều khả năng, kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Tổng công ty sẽ được cải thiện đáng kể.

Trong trường hợp kết quả kinh doanh như dự kiến, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp, Tổng công ty Đường sắt ghi nhận thua lỗ.

Trước đó, năm 2021, công ty mẹ của VNR lỗ sau thuế 564 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ tới 1.327 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II/2022, tổng tài sản của Đường sắt Việt Nam đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức gần 2.230 tỷ đồng và khoản lỗ chưa phân phối hơn 1.850 tỷ đồng.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt cho biết, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, năng lực thông qua của tuyến Thống nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải.

Trong 2 năm trở lại đây, ngoài vận tải khách, Tổng công ty đã chuyển hướng nhiều hơn vào vận tải hàng hóa, trong đó đẩy mạnh các tàu liên vận quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường sắt Việt Nam lỗ gần 30 tỷ đồng nửa năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO