EU đối mặt mối họa 'đại dịch kép'?

Hà Anh 19/01/2022 07:20

Dịch cúm đang quay trở lại châu Âu với tốc độ nhanh hơn dự kiến sau khi đã tưởng biến mất vào năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại về một "đại dịch kép" kéo dài cùng với Covid-19 trong bối cảnh vaccine cúm đang gặp phải sự hoài nghi về tính hiệu quả.

Dịch cúm quay trở lại trong mùa đông năm nay khiến châu Âu chìm trong mối lo “đại dịch kép”. Ảnh: AP

Nguy cơ

Theo số liệu của EU, việc cách ly, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội - những việc trở thành tiêu chuẩn ở châu Âu trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra - đã đánh bật dịch cúm vào mùa đông năm ngoái, tạm thời tiêu diệt một loại virus giết chết khoảng 650.000 người trên toàn cầu.

Nhưng điều đó hiện đã thay đổi. Khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng được nâng cao thì cũng là lúc các quốc gia bắt đầu nới lỏng hơn các biện pháp phòng dịch để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), kể từ giữa tháng 12/2021, virus cúm đã lưu hành ở châu Âu với tỷ lệ cao hơn dự kiến.

Cụ thể, dữ liệu của ECDC và Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, vào tháng 12/2021, số ca mắc cúm tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở châu Âu (ICU) đã tăng đều đặn lên mức cao nhất là 43 ca vào tuần cuối cùng của năm.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh cúm của ECDC Pasi Penttinen cho biết, con số này thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch - các ca bệnh cúm hàng tuần ở ICU đạt đỉnh điểm hơn 400 ca vào cùng một giai đoạn trong năm 2018, mức tăng mạnh so với năm trước đó, khi chỉ có một ca bệnh cúm ở ICU trong cả tháng 12.

Ông Pasi Penttinen cho rằng: “Nếu chúng ta bắt đầu dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch Covid-19, mối quan tâm lớn nhất của tôi lại là bệnh cúm, bởi vì chúng ta đã có một thời gian dài hầu như không có sự lưu hành của căn bệnh này tại châu Âu và điều này có thể tạo nên một sự thay đổi, bệnh cúm có thể không còn giữ mô hình bệnh theo mùa như hiện nay”.

Cũng theo ông Pasi Penttinen, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào mùa xuân có thể kéo dài sự lưu hành của bệnh cúm vượt xa thời điểm bình thường của mùa dịch ở châu Âu vào tháng 5.

Trong báo cáo của mình, ECDC cũng cho biết, thêm một "đại dịch" nữa vào thời điểm này có thể gây áp lực quá mức lên các hệ thống y tế vốn đã vô cùng căng thẳng.

Theo số liệu được Bộ Y tế Pháp công bố vào tuần trước, cả ba khu vực của nước này, bao gồm cả Paris - đang phải đối mặt với dịch cúm. Những người khác đang trong giai đoạn tiền dịch. Mùa này, nước Pháp đã ghi nhận 72 trường hợp mắc cúm nghiêm trọng, với 6 trường hợp tử vong.

Căng thẳng

Một vấn đề phức tạp hơn nữa, chủng cúm chủ đạo lưu hành trong năm nay hầu như là virus H3 của chủng cúm A, chủng cúm thường gây ra các trường hợp bệnh nghiêm trọng nhất ở người cao tuổi.

Ông Penttinen cho biết, còn quá sớm để đưa ra đánh giá cuối cùng về hiệu quả của vaccine cúm vì cần có một số lượng bệnh nhân lớn hơn mắc bệnh để có thể phân tích trong thực tế. Nhưng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, các loại vaccine có sẵn trong năm nay không phải là phương thuốc tối ưu để chống lại virus H3.

Nguyên nhân của điều này phần lớn là do có rất ít hoặc không có virus lưu hành khi thành phần vaccine được quyết định vào năm ngoái, khiến các nhà sản xuất vaccine khó dự đoán chủng nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa cúm sắp tới.

Vaccines Europe, thuộc Liên đoàn các Hiệp hội và Công nghiệp dược phẩm châu Âu (EFPIA), đại diện cho các nhà sản xuất vaccine hàng đầu trong khu vực, thừa nhận, việc lựa chọn chủng virus gặp nhiều khó khăn hơn do lưu hành bệnh cúm rất thấp vào năm ngoái, đồng thời cho biết, vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các mũi tiêm trong mùa này.

Thuốc chủng ngừa cúm được điều chỉnh hàng năm để tạo hiệu quả tốt nhất có thể chống lại các loại virus cúm luôn thay đổi. Thành phần của chúng được quyết định 6 tháng trước khi mùa cúm bắt đầu, dựa trên sự lưu hành của virus ở bán cầu đối diện. Điều đó cho phép các nhà sản xuất thuốc có thời gian để phát triển và thực hiện các mũi chích ngừa.

Dữ liệu toàn châu Âu về việc sử dụng vacicne cúm vẫn chưa sẵn sàng, nhưng số liệu của Pháp cho thấy, mức độ bao phủ của vaccine không rộng như các nhà chức trách hy vọng.

Tại Pháp, cho đến nay, đã có 12 triệu người được tiêm chủng, chiếm khoảng 45% mục tiêu dân số. Tuy nhiên, trước đó, ngày 11/1, Bộ Y tế Pháp đã tuyên bố, mục tiêu của năm nay là tiêm chủng cho 75% người có nguy cơ mắc cúm.

Trong khi đó, Vaccines Europe cho biết, ngành công nghiệp vaccine đã cung cấp một số lượng lớn các mũi vaccine phòng cúm, bất chấp sự căng thẳng đối với các cơ sở sản xuất do đại dịch Covid-19 gây ra.

Chưa kể, sẽ nguy hiểm hơn nếu xuất hiện chứng Flurona - tình trạng cùng lúc nhiễm cả cúm và Covid-19. Đặc biệt, theo ông Nadav Davidovitch, Giám đốc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel), tỷ lệ tử vong của những người có bệnh nền và chưa được tiêm phòng khi đồng nhiễm sẽ rất cao. Theo thống kê, hiện nay chưa xuất hiện các ca nhiễm bệnh này tại châu Âu, nhưng với đà dịch cúm quay trở lại như hiện nay thì chưa thể biết trước điều gì.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm và Covid-19 đều là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, chẳng hạn ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Cả hai đều lây lan qua các giọt bắn và trong không khí khi người nhiễm virus thở, nói, ho hay hắt hơi.

WHO lưu ý, mọi người nên thực hiện những biện pháp giúp bảo vệ hiệu quả trước Covid -19 và bệnh cúm, bao gồm giãn cách xã hội, thường xuyên vệ sinh tay, bảo đảm không gian sống thông thoáng và cách ly nếu chẳng may mắc bệnh. Người dân cũng cần tiêm phòng cả vaccine phòng cúm và Covid-19 để tránh nguy cơ nhiễm bệnh nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EU đối mặt mối họa 'đại dịch kép'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO