EURO 2020: Khi tử thần cũng lu mờ

Đặng Xá 04/07/2021 12:00

Vòng chung kết EURO 2020 đã và đang chứng kiến những “vị tử thần”, trong những hình hài khác nhau, và bằng những cách khác nhau, đã bị lu mờ trước bóng đá và sự đoàn kết của con người.

1. EURO 2020 là một giải đấu đặc biệt. Bởi lẽ giải vô địch bóng đá châu Âu lần này diễn ra vào năm lẻ. Theo thông lệ, kể từ lúc khai sinh vào năm 1960, vòng chung kết EURO cứ 4 năm diễn ra một lần và chưa từng gián đoạn. Cho đến năm ngoái, năm 2020, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giải đấu phải tạm hoãn. Để rồi 1 năm sau, EURO 2020 mới chính thức khai mạc, dự kiến diễn ra từ ngày 11/6 đến 11/7/2021. Và khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân Olimpico, Roma, nơi diễn ra trận khai mạc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Italia, giới một điệu có thể cảm nhận rõ sự hồi sinh của môn thể thao vua.

Không chỉ là những pha bóng nảy lửa và hấp dẫn trên sân cỏ, bầu không khí huyên náo các cổ động viên tạo ra trên các khán đài sau gần một năm đóng cửa im lìm càng giúp cho bóng đá dần trở lại sôi động như xưa, bất chấp vẫn phải tuân theo nhiều quy tắc giản cách xã hội. Bóng đá suy cho cùng chỉ là địa hạt rất nhỏ của xã hội, hoặc thường được ví von là “điều quan trọng nhất trong những điều không quan trọng”. Nhưng bóng đá không chỉ để giải trí mà còn có khả năng truyền cảm hứng mãnh liệt. Bởi vậy, khi bóng đá hồi sinh, đó chính là dấu hiệu thế giới hồi sinh sau những tháng ngày bị “tử thần” trong lốt virus corona bủa vây.

2. Nhắc đến tử thần, vị tử thần “quen mặt” nhất cũng viếng thăm vòng chung kết EURO 2020. Đó là thần chết. Trong cuộc chạm trán giữa Phần Lan và Đan Mạch, lưỡi hái của ngài đã chực vung lên lấy mạng Christian Eriksen, tiền vệ ngôi sao của đội tuyển Đan Mạch. Phút 43 của trận đấu, cầu thủ đang khoác áo Inter Milan bất thần đổ gục xuống sân, nỗi ám ảnh về những Marc Vivian Foe, Antonio Puerta lập tức hiển hiện trước mắt những ai theo dõi trực tiếp trận đấu. Eriksen đã bị đột quỵ sau một cơn trụy tim.

Tuy nhiên, bằng sự quả cảm và đoàn kết của “Những chú lính chì”, biệt danh của đội tuyển Đan Mạch, các đồng đội đã cứu Eriksen thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Dấu ấn lớn nhất thuộc về thủ lĩnh Simon Kjaer. Ngay sau khi Eriksen ngã xuống, trung vệ thủ quân tuyển Đan Mạch lập tức lao đến để đảm bảo người đồng đội không bị nuốt lưỡi và thực hiện động tác hô hấp nhân tạo trong thời gian chờ đội ngũ y tế vào sân. Chính những thao tác sơ cứu chuẩn xác và kịp thời của Kjaer đã lưu thông đường hô hấp cho Eriksen, đồng nghĩa cứu sống tiền vệ này trong khoảng thời gian vàng để cấp cứu người bị đột quỵ.

Sau khi đội ngũ y tế vào sân, chính Kjaer chỉ đạo đồng đội đứng vòng quanh để đảm bảo tính riêng tư và không gây sự hoảng loạn cho người hâm mộ. Cuối cùng, anh tiến tới an ủi Sabrina Kvist, vợ của Eriksen, người đang hoang mang tột độ. Kjaer làm như vậy không phải để được nhận những lời tán tụng hay tấm huân chương nào đó. Anh làm tất cả vì anh là thủ lĩnh của “Những chú lính chì”. Hình ảnh của trung vệ thủ quân đội tuyển Đan Mạch chính là biểu trưng cho tinh thần thể thao cao thượng và phẩm chất của một người dẫn lối. Trong trận đấu này, tử thần đã thua Kjaer 1 bàn.

3. Không nặng nề như hai vị tử thần ở trên, vị tử thần thứ ba vui vẻ và quen mặt hơn với người hâm mộ bóng đá. Đó là bảng tử thần. Tại mọi giải đấu, giới quan sát đều cố công tìm ra bảng đấu khốc liệt và khó lường nhất, rồi gọi đó là bảng tử thần. Trên lý thuyết, vượt qua bảng tử thần đồng nghĩa đánh bại không ít đối thủ nặng ký, thế nên cơ hội tiến xa rất sáng sủa. Tuy nhiên, thực tiễn tại EURO 2020 lại khác xa lý thuyết vừa nêu.

Tại giải vô địch châu Âu lần này, bảng đấu được mệnh danh tử thần là bảng F, với sự hiện diện của Pháp, Bồ Đào Nha và Đức. Lần lượt là đương kim vô địch thế giới (World Cup), đương kim vô địch châu Âu (EURO) và đội bóng giàu thành tích bậc nhất lịch sử túc cầu, với 4 chức vô địch World Cup và 3 lần đăng quang EURO. Thế nên, đội bóng còn lại của bảng đấu là Hungary bị xem như kẻ lót đường.

Tuy nhiên, ngay từ vòng bảng các ông lớn đã không thể hiện được phẩm chất ứng viên vô địch, khi đều khá chật vật mới vượt qua được Hungary. Hơn nữa, thể thức chọn 4 đội thứ ba bảng có thành tích tốt nhất đi tiếp vào vòng trong khiến cơ hội đi tiếp quá rõ ràng. Chỉ đến khi tiến vào vòng 1/8, vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên mới rõ mặt anh hùng.

Kết cục khá bi đát khi cả ba đại diện của bảng tử thần đều lu mờ. Bồ Đào Nha thua Bỉ, Đức bị loại bởi Anh còn Pháp bất ngờ để cho Thụy Sỹ đánh bại. Trong đó, thất bại của Pháp đáng bị chê trách nhất bởi Les Bleus thua vì thái độ hơn trình độ. Họ đã xem thường đối thủ thua kém về đẳng cấp và rốt cuộc nhận cái kết đắng vì hóa ra đối thủ giàu ý chí hơn và đoàn kết hơn. Tính thiên biến bất ngờ cũng chính là một trong những yếu tố khiến bóng đá trở nên hấp dẫn và truyền cảm khôn cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EURO 2020: Khi tử thần cũng lu mờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO