EVFTA và kỳ vọng xuất khẩu

Minh Phương 14/07/2020 07:00

6 tháng đầu năm nay, con số kim ngạch xuất khẩu ảm đạm do tác động của dịch Covid-19 khiến cho bức tranh xuất khẩu đầy màu xám. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 8 tới đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước nhà.

Ảnh minh họa.

Nhiều hợp đồng đứt gãy

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2020 có nhiều gam màu trầm, khi con số ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.

Bức tranh xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2020 phản chiếu rõ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi mà đại dịch đã bủa vây toàn cầu, khiến cho hoạt động thương mại toàn cầu hầu như bị ngưng trệ. Những thị trường nằm trong top nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, EU cùng nhiều thị trường khác buộc phải thực hiện các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa bởi sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch này. Nhiều DN ngành gỗ, may mặc, da giày… cho biết, các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa bị đứt gẫy, DN chỉ đủ đơn hàng đến hết quý III và chưa kiếm thêm được hợp đồng mới trong quý IV tới.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới. 81% DN xuất khẩu sang thị trường EU đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng. Tình trạng “đói” đơn hàng cũng xảy ra tương tự với các DN da giày, dệt may. Tại TPHCM, một số công ty giày da đã phải cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc vì không có hợp đồng mới. Đơn cử, Công ty TNHH Huê Phong hiện đã phải cho hơn 2.000 công nhân nghỉ việc vì không có hợp đồng xuất khẩu. Thời điểm này, Công ty vẫn đang chờ đợi đối tác ký kết hợp đồng mới nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Động lực mới

Trong bối cảnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được thực thi vào tháng 8 tới đây kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước nhà.

Theo Bộ Công thương, từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều quốc gia đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.

Theo các nhà quản lý, việc EVFTA sắp có hiệu lực đang tạo ra động lực mới cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. “Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19”, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói và cho biết thêm, theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm.

Đối với các mặt hàng nông, thủy sản khác, ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý II, Hiệp định EVFTA sẽ là “xa lộ” rộng cho hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, và đó sẽ là động lực tạo đà cho xuất khẩu của ta bứt phá nửa cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EVFTA và kỳ vọng xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO