F0 có nên xông lá trực tiếp?

T.M. 16/01/2022 07:37

Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 truyền tai nhau tác dụng của việc đun nước xông nước lá như xả, gừng, muối, vỏ bưởi, cam, tía tô... hàng ngày tại nhà sẽ giúp giảm ngạt mũi, nhanh hồi phục cơ thể. Vậy việc này có tác dụng như mong muốn không? BSCKII. Nguyễn Trung Sơn (Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết:

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của y tế phường. nCoV không sống bên ngoài tế bào. Khi nhiễm, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới và xâm nhiễm qua các tế bào lân cận qua khoảng kẽ những tế bào.

Xông nóng chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, tức không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì thế súc họng hay xông mũi họng cỡ nào cũng không tiêu diệt được chúng, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh. Xông hơi do đó chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm.

Cụ thể, hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông thảo dược làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.

Xông hơi nóng nhằm làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, giúp dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn, giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi, giảm sung huyết niêm mạc mũi. Độ nóng thích hợp sẽ tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ.

Hàng ngày, người bệnh có thể xông phòng và rửa mũi, súc họng bằng nước lá. Tuy nhiên, không nên xông lá trực tiếp mà có thể xông phòng ở, nơi làm việc nhằm hạn chế và phòng ngừa bệnh, theo hai cách dưới đây:

Cách thứ nhất, nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút.

Ngày làm hai lần, sáng và chiều. Cách thứ hai, nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

Tùy theo diện tích phòng (10-40 m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

Lưu ý, cả hai phương pháp này, không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    F0 có nên xông lá trực tiếp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO