F0, F1 trong trường học: Thích ứng thế nào?

Lam Nhi 12/03/2022 14:00

Mới đây Bộ Y tế đã đề xuất cho người thuộc diện F0, F1 làm việc trong thời gian cách ly. Nhiều ý kiến băn khoăn đối với học sinh là F0, F1 thì sao? Đặc biệt là quy định F1 nghỉ học từ 5-7 ngày tùy thuộc đã tiêm vaccine hay chưa đang khiến học sinh thiệt thòi vì không được học trực tiếp.

Học sinh Hà Nội đến trường học trực tiếp. Ảnh: Quang Vinh

Chóng mặt vì thay đổi

Là phụ huynh có con đang học lớp 9, chị Trần Thanh Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết rất sốt ruột khi con liên tục là F1: “Trước Tết Nguyên đán, cả nhà tôi đã mắc Covid-19 với triệu chứng khá nhẹ, cũng tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 nên khi con đi học trực tiếp, tôi có phần yên tâm hơn về khả năng miễn dịch của con. Tuy nhiên, lớp con cứ cách vài ngày lại có một bạn là F0, các thầy cô cũng liên tiếp trở thành F0, con ngồi gần hoặc có tiếp xúc với bạn trong giờ ra chơi nên trở thành F1 và nghỉ học ở nhà đến nay đã 2 đợt, tôi rất lo nếu cứ đà F1 liên tục thì việc học của con sẽ bị ảnh hưởng trong khi đây là thời điểm ôn tập quan trọng”- chị Ngọc bày tỏ quan điểm.

Trên thực tế, với số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở Hà Nội trong những ngày này thì việc mở cửa trường học ở nhiều nơi là một sự cố gắng lớn của cả thầy và trò. Bởi có những trường, gần nửa giáo viên là F0, chưa kể F1, nên để đảm bảo việc dạy học trực tiếp là vô cùng khó khăn. Phương án khả thi nhất đương nhiên là kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến dù vẫn có những hạn chế nhất định.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nhà trường đang có có 38 giáo viên và 1 nhân viên là F0. Với học sinh, tuần trước trường thống kê có hơn 1.000 học sinh là F0 và F1 nên 22 lớp phải chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, sau khi rà soát, phân loại lại F1 thì hiện số F1 chỉ còn gần 300 học sinh, số F0 có trên 400 học sinh.

Hiện việc quy định đâu là F1 trong trường học mỗi nơi một kiểu nên tùy từng trường sẽ có cách phân loại khác nhau. Tâm lý chung là nếu khoanh vùng quá hẹp thì lại lo F1 trở thành F0, đó là lỗi của nhà trường, phụ huynh sẽ không yên tâm. Nhưng nếu mở rộng phạm vi F1 thì sẽ nhiều học sinh phải chịu thiệt thòi, bị nghỉ ở nhà không đến trường trong khi thực ra các em không hề tiếp xúc gì với bạn khi ngồi phía sau, so le vị trí…

Đề xuất F1 được đến trường

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế được đưa vào “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học” để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước. Trong đó, tại bước 3 quy định: Học sinh F1 và kết quả xét nghiệm nhanh âm tính chia làm hai nhóm. Học sinh là F1, đã tiêm đủ ít nhất hai liều vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 thì cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc test nhanh) ngày thứ 5. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại.

Học sinh là F1, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine ngừa Covid-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc test nhanh) ngày thứ 7. Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo, thực hiện thông điệp 5K.

Như vậy, khi có học sinh là F0 thì F1 sẽ ở nhà ít nhất là 5 ngày. Tuy nhiên, không chỉ đến lớp mà ở nhà hay hàng xóm là F0 cũng khiến nguy cơ các em trở thành F1 rất cao và lặp đi lặp lại, việc đến trường sẽ bị gián đoạn rất nhiều. Dù không chủ quan song trong bối cảnh F0 rất nhiều, nếu một lớp có đồng thời 4 F0 thì gần như có tới một nửa lớp trở thành F1, phải nghỉ học. Khi đó, việc dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến sẽ rất vất vả cho cả thầy và trò. Trong đó, chủ yếu là học sinh học trực tuyến bị thiệt thòi do trong cùng một giờ học, thầy cô viết trên bảng sẽ khó để học sinh nhìn qua màn hình một cách rõ nét, chân thực như học trên lớp. Với những giáo viên vừa giảng bài trên lớp, vừa chia sẻ giáo án điện tử để học sinh ở nhà cũng theo dõi được bài giảng thì hiệu quả có tốt hơn so với việc chỉ phát sóng dạy học trên lớp cho học sinh ở nhà cùng theo dõi. Nhưng nhìn chung, vẫn có những hạn chế, bất cập nên thiệt thòi sẽ là những học sinh ở nhà dù vẫn đang khỏe mạnh.

Vì vậy, nhiều phụ huynh và giáo viên mong muốn có những quy định rõ hơn về F1 trong nhà trường, đâu là những F1 có nguy cơ cao phải nghỉ học, cách ly hoàn toàn, đâu là những F1 có thể vẫn đến trường với điều kiện tăng cường phòng dịch và theo dõi. Hiện nhiều quốc gia cũng đã thực hiện công tác cho F1 trở lại trường thay vì nghỉ ở nhà để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em và việc giảng dạy của thầy, cô giáo.

“Hiện nay, đa phần học sinh và giáo viên đều đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, chỉ trừ trường hợp các em nhỏ tuổi, nên học sinh là F1 có thể đi học khi đảm bảo được quy tắc 5K và điều kiện học tập tốt để không có sự lây lan” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    F0, F1 trong trường học: Thích ứng thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO