FDI tiếp tục 'tìm đến' Việt Nam

Nam Việt 06/05/2023 07:00

Đã hơn 4 tháng của năm 2023, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều mảng tối. Điều đó tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau 3 tháng đầu năm giảm mạnh, thu hút FDI tháng 4 đã có sự cải thiện.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD, lần lượt tăng 65,2% và tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, từ đầu năm đến nay, có 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 1,8% về số lượng và tăng 70,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên phạm vi toàn cầu sụt giảm thì nền kinh tế của Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ để nhà đầu tư tiếp tục rót vốn đầu tư; tuy rằng về dòng vốn ngoại cam kết về việc rót thêm vốn mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu bị sụt giảm. Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, dù có 386 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5%) nhưng tổng vốn tăng thêm chỉ đạt 1,66 tỷ USD, giảm đến 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự suy giảm ấy được các nhà phân tích đánh giá rằng không quá quan ngại trong bối cảnh suy giảm chung về FDI trên toàn cầu. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn có xu hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bản địa đưa sản xuất và dòng vốn đầu tư ra bên ngoài quay trở về nước.

Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, qua khảo sát thấy rằng, gần 50% số doanh nghiệp cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhìn lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình, thích nghi. Đó là tập trung vào các điểm đột phá gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng xanh để đáp ứng nhu cầu của những dự án lớn, sản xuất xanh; phải có những doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài… Nói như ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong bối cảnh hiện nay rất khó thu hút FDI, nên dù đang là “ngôi sao đang lên” thì cũng không có chỗ cho sự tự mãn. “Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng” - ông Gabor Fluit nói. Trong khi đó, ông Torben Minko - Phó Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho rằng, niềm tin các nhà đầu tư châu Âu đã tăng trở lại nhờ việc Việt Nam kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ.

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bà Priyamvada Srivastava - Tổng giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, cho biết, P&G sẽ tiếp tục đầu tư thêm gần 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy Bến Cát. Tương tự, các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên tới 3,7 tỷ USD.

Dòng vốn FDI là rất quan trọng cho sự tăng trưởng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023; trong đó, để đạt tăng trưởng cả năm là 6,5% thì tăng trưởng GDP các quý sau phải đạt từ 6,7-7,9%. Đây là kịch bản rất thách thức.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng những tháng cuối năm thông qua giải pháp thúc đẩy tổng cầu. Riêng về việc sẽ thế nào khi thu hút FDI trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu được các nước áp dụng từ 1/1/2024; ông Đạt cho rằng, đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam rất quan tâm. Chính vì thế, Việt Nam cần đưa ra các tuyên bố sớm để các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia sớm có định hướng, để dòng vốn FDI tiếp tục “tìm đến” Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    FDI tiếp tục 'tìm đến' Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO