FLC phải chịu lỗ sau thuế trên 465 tỷ sau quý I năm 2022

Anh Ka 02/05/2022 14:00

Tập đoàn FLC (mã: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022.

Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, FLC ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý đầu năm đạt trên 478 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Với giá vốn giảm tương ứng, FLC vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp gần 94 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng đầu tư lên tới hơn 500 tỷ, chi phí tài chính của công ty mẹ FLC tăng mạnh 394% so với cùng kỳ, lên tới 565 tỷ. Khoản dự phòng này đã góp phần đảo chiều lợi nhuận thuần của FLC từ lãi thành lỗ hơn 474 tỷ đồng, tương ứng với lỗ sau thuế trên 478 tỷ đồng.

Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết, báo cáo tài chính hợp nhất của FLC tiếp tục ghi nhận mức giảm tương ứng ở nhiều chỉ số: Doanh thu và giá vốn giảm lần lượt 58% và 54% so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt trên 1.085 tỷ (giảm 56%), lợi nhuận gộp lỗ trên 14 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả này, FLC cho biết doanh thu giảm do doanh nghiệp đang phải tiến hành tái cơ cấu mảng kinh doanh thương mại. Quan trọng hơn, ảnh hưởng của dịch bệnh với tỷ lệ F0 Covid tăng đột biến trong giai đoạn đầu năm đã làm hạn chế số lượng nhân công trực tiếp thi công, khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ bàn giao một số dự án bất động sản và không kịp ghi nhận doanh thu trong quý 1/2022.

Yếu tố dịch bệnh cũng tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của FLC trong nhiều lĩnh vực như du lịch, hàng không. Các mảng này chỉ thực sự khởi sắc từ cuối quý 1 trở đi, sau khi nhiều biện pháp hạn chế về đường bay, du lịch… dần dần được gỡ bỏ gần đây.

Kết thúc quý 1, với việc trích lập dự phòng đầu tư khiến chi phí tài chính tăng mạnh 185%, cùng sự gia tăng trong một loạt chi phí khác và khoản lỗ từ các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết… lên tới gần 265 tỷ đồng, FLC phải chịu lỗ sau thuế trên 465 tỷ.

Mặc dù vậy, so với thời điểm đầu năm, tổng tài sản của FLC vẫn tăng khoảng 5%, đạt gần 35.500 tỷ đồng.

Bước sang đầu quý 2, nhiều hoạt động kinh doanh cốt lõi của FLC ghi nhận khởi sắc. Trong tháng 4/2022, Bamboo Airways đã khai thác 97,5% các chuyến bay đúng giờ, qua đó bảo toàn thành tích bay đúng giờ nhất trong 3 hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam. Tỉ lệ lấp đầy trung bình trên toàn mạng bay nội địa của hãng trong thời gian vừa qua đạt từ 90 – 92%.

Các quần thể du lịch của FLC cũng ghi nhận sự gia tăng về công suất phòng, trong bối cảnh nhu cầu du lịch tăng mạnh trở lại. Ước tính dịp 30/4, hệ thống này sẽ đón tiếp hàng vạn lượt du khách. Trước đó, tính riêng kỳ nghỉ lễ 10/3, hệ thống FLC đón hơn 15.000 khách lưu trú, tham quan và vui chơi tại các quần thể Vĩnh Phúc, Sầm Sơn, Hạ Long và Quy Nhơn.

Với lĩnh vực bất động sản, FLC cho biết các dự án trọng điểm đang triển khai sẽ tiếp tục được xúc tiến cả về pháp lý và tiến độ xây dựng để đóng góp tích cực về mặt doanh thu cho FLC trong 2022.

Công ty CP Xây dựng FLC FAROS (ROS) công bố chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2021 lẫn Báo cáo tài chính quý 1/2022 do vẫn chưa có người đại diện ký vào Báo cáo tài chính. Trước đó, bà Hương Trần Kiều Dung là người đại diện pháp luật của công ty đã bị bắt tạm giam và công ty đã nộp hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật thành bà Nguyễn Bình Phương nhưng vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sửa đổi.

Còn Công ty CP Nông dược H.A.I (HAI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) xin gia hạn Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1/2022. Cụ thể, HAI trình bày do hệ thống lưu trữ dữ liệu và phần mềm kế toán đang gặp sự cố, công ty chưa thể hoàn thành việc đối chiếu số liệu và lập báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1/2022...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    FLC phải chịu lỗ sau thuế trên 465 tỷ sau quý I năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO