G20 tìm tiếng nói chung

Thanh Đức 14/11/2022 07:40

Một sự kiện đang thu hút dư luận đó là Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/11 tới tại Bali, Indonesia. Diễn ra trong bối cảnh thế giới nhiều diễn biến phức tạp vì thế G20 mang tới nhiều kỳ vọng.

Ảnh: Reuters.

Để tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh, trước đó G20 đã có một số “hội nghị tiền trạm”, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao. Đó cũng là một quá trình dài để tìm tiếng nói chung, hợp tác đã được Indonesia trong tư cách Chủ tịch G20-2022 đã khởi động từ tháng 12/2021.

Có lẽ chưa có một Hội nghị cấp cao nào diễn ra gần đây mà vấn đề ai tham dự hay không tham dự lại được các bên liên quan quan tâm nhiều như tại Thượng đỉnh G20 này, khi mà chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những thông điệp “không rõ ràng” trước hội nghị từ Washington, Moscow, Kiev, Jakarta cho thấy điều đó.

Nhìn lại những “hội nghị tiền trạm”, giới quan sát nhận thấy không thu được nhiều kết quả, kể cả cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc ngân hàng Trung ương lẫn các Bộ trưởng Ngoại giao của G20. Mục đích là tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới xem ra vẫn còn xa.

G20 là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và Thống đốc ngân hàng Trung ương đến từ 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). Toàn bộ nhóm này chiếm 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới. So với những lần trước, thì hội nghị lần này khó khăn hơn. Ngày 13/10/2022, hội nghị lãnh đạo tài chính G20 tại Washington (Mỹ) đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Một cuộc “tiền trạm” trước đó diễn ra tại Bali (Indonesia) ngày 31/8 về biến đổi khí hậu cũng không có tuyên bố chung. Vì thế, người ta cũng lo ngại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này cũng rất khó có được tuyên bố chung vì một khi bài toán lợi ích vẫn được các nền kinh tế đưa lên làm đầu của mỗi quốc gia.

Thông tin từ Jakarta ngày 13/11 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào hôm nay, 14/11, trước khi Thượng đỉnh COP20 khai mạc. Theo thông báo của Nhà Trắng được hãng tin Reuters dẫn lại, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực để duy trì và làm sâu sắc hơn các đường dây liên lạc giữa Mỹ - Trung, quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau ở những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên phù hợp, đặc biệt là về những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Cuộc gặp này được dư luận dành nhiều chú ý vì đó là cuộc gặp của lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong khi kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng.

Cũng trong ngày 13/11, Jakarta cho biết chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ thảo luận một số vấn đề ưu tiên, trong đó có an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số.

3 chương trình nghị sự nói trên sẽ được thảo luận trong các phiên họp riêng rẽ. Các nhà lãnh đạo G20 sẽ trao đổi về an ninh lương thực, năng lượng và cấu trúc y tế toàn cầu trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh, trong khi vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số sẽ được bàn thảo trong ngày làm việc thứ hai.

Thư ký Ban thư ký nhà nước Indonesia, ông Setya Utama, cho biết phiên làm việc đầu tiên sẽ kéo dài từ sáng đến chiều ngày 15/11. Vào ngày thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tham gia lễ trồng cây tại Công viên rừng ngập mặn Ngurah Rai ở thành phố Denpasar trong buổi sáng, trước khi bắt đầu phiên làm việc thứ 3 tập trung vào vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số.

Chiều tối cùng ngày 16/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chính thức trao quyền Chủ tịch G20 cho Ấn Độ và thông báo kết quả của hội nghị.

Tư lệnh Quân đội Indonesia, tướng Andika Perkasa, cho biết 18.030 binh sỹ sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Quân đội sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát và đảm bảo an ninh trên các tuyến đường trong hội nghị. Việc sử dụng máy bay không người lái không chỉ giới hạn ở việc ngăn chặn gián đoạn an ninh, mà còn giám sát các tuyến đường di chuyển của từng phái đoàn, đặc biệt là các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ.

Trong khi đó, Tổng thư ký Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia Andap Budhi Revianto cho biết công tác chuẩn bị khác như dịch vụ xuất nhập cảnh tại sân bay cũng ở mức hoàn hảo trước, trong và sau sự kiện quan trọng này.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1998, bao gồm: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy); BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ); EU (thành viên đặc biệt); Các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ).

G20 là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và Thống đốc ngân hàng Trung ương trong nhóm. Hoạt động nổi bật là thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. G20 đã mở rộng chương trình nghị sự của mình từ năm 2008, hiện nay, không chỉ có các nguyên thủ quốc gia mà các Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao của các nước thành viên cũng gặp gỡ định kỳ, trao đổi và tham gia thảo luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G20 tìm tiếng nói chung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO