Gần 500 biệt thự xây trái phép ở Đồng Nai: Ai chống lưng?

HỮU VINH – QUANG TRUNG 12/07/2021 07:11

Vi phạm kéo dài đến 2 năm, “đại công trình” xây dựng gần 500 căn biệt thự trái phép, ngang nhiên diễn ra tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Gần 500 căn biệt thự xây trái phép tại dự án KDC Tân Thịnh.

Từ chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”…

Đầu tháng 6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án xây dựng gần 500 căn biệt thự, nhà liền kề không phép tại Khu dân cư (KDC) Tân Thịnh (Tên thương mại The Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do Công ty CP đầu tư LDG (gọi tắt là LDG Group) làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu củachúng tôi, dự án có quy mô khoảng 18,2 ha; tổng vốn đầu tư gần 270 tỷ đồng; thực hiện đến tháng 12/2023. Trước đó, ngày 29/8/2016, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định (số 9006/QĐ-UBND) về việc chấp thuận đầu tư Dự án KDC Tân Thịnh. Đến ngày 5/5/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định (số 1644/QĐ-UBND) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý chủ trương đầu tư dự án KDC Tân Thịnh (quyết định số 3982/QĐ-UBND). Thế nhưng, trên thực tế, mặc dù LDG Group chưa có giấy phép xây dựng đã ngang nhiên triển khai san nền, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đạt tỷ lệ khoảng 60%; xây dựng hoàn thiện phần thô 488 căn nhà (gồm 198 căn biệt thự và 290 căn liền kề).

Dù chưa đủ điều kiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, LDG Group vẫn ung dung thực hiện xây dựng gần như hoàn thiện gần 500 căn nhà biệt thự, liền kề trái phép trong suốt gần 2 năm từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2020. Hàng trăm công trình được xây dựng giữa thanh thiên bạch nhật mà không một cơ quan chức năng nào của huyện Trảng Bom hay tỉnh Đồng Nai phát hiện. Chỉ đến khi người dân phát giác, phản ánh thì tháng 8/2020, UBND huyện Trảng Bom mới yêu cầu LDG Group tạm ngưng thi công các công trình, giữ nguyên hiện trạng.

Với những sai phạm ở thời điểm đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã xử phạt hành chính LDG Group số tiền 540 triệu đồng; yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục hậu quả theo kiểu “hợp pháp hóa chuyện đã rồi” bằng cách thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; đồng thời phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gần 5,8 tỉ đồng.

Liệu ai đang đứng đằng sau “chống lưng” cho doanh nghiệp bất chấp quy định của Nhà nước, công nhiên vi phạm, xây dựng gần 500 căn biệt thự, nhà liên kề trái phép trong gần 2 năm? Trao đổi với chúng tôi, ông V.T.Đ, (ngụ Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Ở đâu xa, ngay chỗ tôi ở, người dân chỉ sửa căn nhà cấp 4, đổ đống cát nếu không xin phép lập tức có trật tự đô thị, xây dựng, địa chính xã kiểm tra liền. Còn đằng này 500 căn nhà lộng lẫy mọc lên, xây dựng rầm rộ mà chính quyền không biết thì thật là khó chấp nhận. Vụ việc chẳng khác gì chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

… đến bức xúc của người dân bị thu hồi đất

Tại một dự án khác do LDG Group làm chủ đầu tư và cũng tại ngay huyện Trảng Bom, nhiều hộ dân đang có đơn tố giác việc Công ty CP đầu tư LDG không thực hiện thương lượng đền bù phần đất cho dân nằm trong dự án Khu dân cư dịch vụ Giang Điền (tên thương mại là The Viva City).

Như trường hợp bà Phạm Thị Tuyết Nhung ở khu phố Long Đức 2, phường Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 02/4/2019, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định (số 1519/QĐ-UBND) thu hồi 22.914,8m2 đất trồng cây hàng năm của bà Phạm Thị Tuyết Nhung để thực hiện dự án xây dựng KDC dịch vụ Giang Điền (khu A), là phần diện tích chưa thỏa thuận bồi thường.

Bà Nhung than thở: “Dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Rõ ràng đây là một dự án kinh doanh. Mà đã là dự án kinh doanh thì chủ đầu tư phải tự thương lượng thỏa thuận đền bù với dân chứ không phải chỉ “mượn tay” UBND huyện Trảng Bom để thu hồi đất. 10 năm nay, đất tôi nằm trong quy hoạch dự án, chưa một lần chủ đầu tư gặp gỡ để thỏa thuận đền bù”.

Tương tự bà Nhung là thửa đất số 33, 34, tờ bản đồ số 17 xã Giang Điền của ông Đoàn Duy Định (đã mất). “Đây là dự án kinh doanh, chủ đầu tư phải thương lượng đền bù giá với dân. Việc UBND huyện đứng ra áp giá đền bù mà không phải công ty này đứng ra thương lượng đền bù là sai quy định”, anh Đoàn Trọng Nghĩa, con trai ông Định bức xúc. Ông Định cho hay, mặc dù phần đất của nhiều người dân chưa hề được thương lượng đền bù nhưng đã bị “đại gia bất động sản” LDG Group tiến hành lập quy hoạch chi tiết, phân lô.

Tìm hiểu sâu hơn về dự án này, được biết, cuối năm 2020, The Viva City cũng “dậy sóng” với việc hàng chục hộ dân tố LDG Group không được bàn giao sổ hồng mặc dù họ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã vào ở tại đây được 2 năm. Các hộ dân đã làm băng rôn biểu ngữ yêu cầu thực hiện quyền lợi chính đáng được cấp sổ theo đúng cam kết của chủ đầu tư.

Trước đó, cuối năm 2019, dự án này cũng đã bị Thanh tra tỉnh Đồng Nai “điểm mặt” nhiều sai phạm về đất đai. Cơ quan chức năng phát hiện nhiều tồn tại trong xác định giá đất tại dự án như hồ sơ chuẩn bị thực hiện thẩm định giá đất không thể hiện vị trí, diện tích, loại đất và thời hạn sử dụng của thửa đất cần định giá không đúng theo quy định.

Dư luận cho rằng, những dự án “thôn tính” đất đai tại huyện Trảng Bom, ngoài việc “đại gia” bất động sản vi phạm pháp luật, thì vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý đất đai tại địa phương này cần được làm rõ.

Ngày 11/6, sau khi nghe báo cáo quá trình xử lý vi phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh của các đơn vị, cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Công ty CP đầu tư LDG triển khai dự án khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, gây bức xúc trong dư luận. Do đó UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh khẩn trương thực hiện thanh tra toàn diện dự án. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Đồng Nai để điều tra xử lý hình sự theo quy định”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 500 biệt thự xây trái phép ở Đồng Nai: Ai chống lưng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO