Gần Tết, không để ‘nhảy’ giá

Hải Nhi 15/01/2021 09:00

Ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời điểm này, mối quan tâm với người tiêu dùng là hàng hoá Tết liệu có tăng giá, với những người xa quê mưu sinh thì giá vé máy bay, tàu xe khan hiếm hay mua dễ dàng?

Vé tàu xe tết năm nay được cho là không căng thẳng. Ảnh: Quang Vinh.

Sau một thời gian hạ nhiệt, những ngày gần đây giá lợn hơi có xu hướng tăng nóng trở lại. Nhiều ý kiến lo ngại từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, mức giá sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, giữa tháng 1-2021, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng mạnh. Hiện giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Bắc đã nhảy lên mức 82.000-85.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh miền Trung, giá lợn hơi quanh mốc 82.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn cũng tăng lên 80.000-81.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng khác

Như vậy, nếu so sánh với cách nay gần 3 tuần, giá lợn hơi đã tăng trung bình 10.000-15.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Giới kinh doanh nhận định giá lợn hơi tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng khá mạnh, cộng thêm việc các công ty thực phẩm tăng cường mua thịt lợn để chế biến các loại thực phẩm Tết như xúc xích, giò heo, giăm bông...

Mức tăng giá trở lại kéo theo một loạt sản phẩm khác chế biến từ thịt lợn tăng theo. Cụ thể, giá giò lụa loại thường có pha trộn trước đây 120.000- 130.000 đồng/kg thì nay lên 140.000-160.000 đồng/kg; loại đặc biệt trước đây 150.000 đồng/kg nay lên 190.000- 200.000 đồng/kg. Các loại giò, chả, ruốc, giăm bông cũng tăng giá thêm 30.000- 50.000 đồng/kg so với trước. Thịt lợn tăng giá cũng khiến theo các nhà hàng, quán ăn đồng loạt tăng giá. Không chỉ các sản phẩm liên quan đến thịt lợn tăng giá mà các sản phẩm khác cũng tăng theo do người tiêu dùng có tâm lý chuyển hướng sử dụng.

Về phía Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng thời gian gần đây giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng nhích lên do nhu cầu tăng dịp Tết, cùng với dịch tả lợn châu Phi tái phát ở một số địa phương. “Tuy nhiên, hiện tổng đàn heo cả nước đã đạt trên 26 triệu con và đàn nái đã phục hồi đạt 3 triệu con nên quý I-2021 sản lượng thịt lợn sẽ tiếp tục tăng.

“Vì vậy, áp lực với mặt hàng thịt lợn tuy vẫn còn nhưng không quá lớn như đầu năm 2020” - theo ông Tiến.

Nhiều công ty cũng khẳng định hiện nay nguồn cung khá dồi dào nhờ các trang trại tái đàn và tăng đàn, cộng thêm nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước gia tăng.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), mới đây cam kết sẽ giữ giá thịt lợn bình ổn trong dịp Tết. “70% thịt lợn nhập khẩu hiện đã được chúng tôi đóng gói thành 1-2 kg ở kho lạnh. Nếu thị trường có biến động, chúng tôi sẽ tung lượng hàng này để kìm lại. Vì vậy, Tết năm nay người dân không lo thịt lợn tăng giá” - ông Khoa trấn an.

Tuy nhiên, anh Trần Văn Hưng, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn lo ngại: Chưa Tết đã tăng mạnh thì cũng khó tin rằng đến Tết giá thịt lợn lại không đắt đỏ. Mặt khác, năm nào cũng vậy dù dịch hay không mỗi khi gần Tết thì tất cả loại thịt đều tăng giá nhất là thịt lợn và gà khiến người dân quay cuồng với giá cả “leo thang”. Bởi vậy, kìm được giá thịt lợn vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Vé ô tô tăng kịch trần; vé máy bay, vé tàu giảm sâu

Cùng với hàng hoá thiết yếu, giá vé máy bay tàu xe cũng là mối quan tâm của rất nhiều người. Nhưng không giống mọi năm, với những người lựa chọn máy bay về quê ăn Tết thì hiện vẫn còn khá nhiều vé để khách hàng thoải mái lựa chọn, thậm chí giá vé cũng rẻ bất ngờ.

Năm ngoái, Vietnam Airlines vé từ TP HCM ra Hà Nội có thể lên tới 5 triệu đồng/vé nếu đi hạng phổ thông đặc biệt; khoảng 7 triệu đồng/vé cho hạng thương gia. Nếu “chậm chân” còn không có vé. Nhưng năm nay, cặp vé khứ hồi TP HCM - Hà Nội chỉ với 1,8 triệu đồng.

Trên chặng Hà Nội - TP HCM, nếu muốn bay ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp), hành khách có thể dễ dàng mua vé của Vietnam Airlines/Pacific Airlines chỉ với chưa đầy 600 - 700 nghìn đồng (đã bao gồm thuế phí) cho chiều đi.

Ở chiều ngược lại, trong ngày 16/2 (tức mùng 5 Tết), mức giá thấp nhất mà khách có thể mua cũng chỉ 1,25 triệu đồng. Nếu chọn các chuyến bay do Pacific Airlines khai thác, mức giá này chỉ còn chưa tới 800 nghìn đồng.

Nếu chọn bay Vietjet, mức giá mà hành khách phải trả cho chiều Hà Nội đi TP HCM trong ngày 29 tháng Chạp khoảng 555 nghìn đồng (đã bao gồm thuế phí) trong khi ở chiều ngược lại, giá vé vào khoảng 900 nghìn đồng.

Hãng hàng không Bamboo Airways cũng tung vé máy bay Tết hết sức cạnh tranh, chỉ khoảng 1,8 triệu đồng cho vé khứ hồi Hà Nội - TP HCM trong 2 ngày cao điểm nói trên.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, ngành đường sắt đã thực hiện chương trình giảm giá vé nhằm kích cầu hành khách đi lại bằng tàu hỏa trong tháng 1/2021. Cụ thể, ở khu vực phía Nam, ngành đường sắt sẽ triển khai chương trình “6.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi tàu từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021.

Cùng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021, ở khu vực phía Bắc cũng áp dụng chính sách giảm giá vé 50% tương tự với số toa, số chỗ cụ thể trên các mác tàu do ngành đường sắt quản lý. Ngoài áp dụng trên các đôi tàu khách Thống nhất SE1/SE2, SE5/SE6, chương trình còn áp dụng trên tất cả các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai.

Trái với vé máy bay, giá vé xe đò tại 2 bến xe miền Đông và miền Tây dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ điều chỉnh tăng từ 40% đến 60%. Về dự kiến mức phụ thu giá cước và thời điểm áp dụng, đối với các tuyến từ Quảng Ngãi trở ra đến tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%; từ ngày 20 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, từ ngày 17 đến ngày 19 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%, từ ngày 20 tháng Chạp đến mùng 3 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 40%, từ ngày 24 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, giá vé tăng không quá 60%.

Đối với các tuyến thuộc tỉnh Ninh Thuận, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp và từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, giá vé tăng không quá 40%; từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Chạp, giá vé tăng không quá 60%...

Tại Hà Nội, đến nay đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán. Trong đó, có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi và 7.680 cửa hàng tạp phẩm, 1438 điểm bán hàng tịa các chợ, 495 bếp ăn tập thể, 5.000 điểm bán hàng ở các tỉnh, TP ngoài Hà Nội.Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỉ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần Tết, không để ‘nhảy’ giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO