Gánh nặng của căn bệnh sa sút trí tuệ

Đức Trân 21/04/2022 08:11

Sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Theo các thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 3 giây trên thế giới lại có 1 người mắc căn bệnh này và là căn bệnh tạo áp lực lớn tới kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Người cao tuổi cần được khám sức khỏe định kỳ để có kế hoạch chăm sóc tốt.

Thế nhưng, đa phần người thân, gia đình của người bệnh thường cho rằng việc xuất hiện căn bệnh này ở người cao tuổi là điều tất yếu của tuổi tác dẫn tới việc không đưa bệnh nhân đi điều trị hoặc đến viện khi đã muộn.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, kéo theo những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật. Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải.

Căn bệnh này là một hội chứng lâm sàng bị gây ra bởi tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, chú ý, định hướng, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, điều hành và khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục. Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể bắt gặp ở nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt phổ biến nhất là bệnh Alzheimer - căn bệnh không thể chữa khỏi này chiếm 60% - 80% tổng số các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

BS Lê Thị Phương Thảo - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cứ mỗi 3 giây trên thế thới lại có 1 người bị sa sút trí tuệ. Năm 2019, toàn cầu có 55 triệu người bị sa sút trí tuệ và theo dự đoán, con số này sẽ tăng lên 78 triệu người vào năm 2030 và năm 2050, con số này tăng tới 139 triệu người. Thống kê tại Mỹ cho thấy, cứ 3 người cao tuổi thì có 1 người tử vong vì sa sút trí tuệ. Số người tử vong vì sa sút trí tuệ nhiều hơn số người tử vong do bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại. Một thống kê khác cho thấy, từ năm 2008 đến 2018, tỷ lệ nhập viện cấp cứu do sa sút trí tuệ chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 28% - cao hơn do biến cố tim mạch hay đột quỵ tăng huyết áp, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) và ung thư.

Trong khi đó, những con số chấn động ở trên còn gia tăng hơn nữa khi đại dịch Covid-19 ập đến, cũng theo BS Thảo, tỷ lệ người bệnh tử vong do sa sút trí tuệ tăng lên tới 16% khi đại dịch bùng phát. “Năm 2021, chi phí y tế cho người bệnh sa sút trí tuệ là 355 tỷ đô la. Tại Việt Nam, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam” - BS Thảo cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: Cùng với tuổi thọ tăng cao, người già đối mặt với nhiều bệnh lý như tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… Trong đó, sa sút trí tuệ là một bệnh lý dường như chưa được nhận thức đúng đắn và quan tâm điều trị. Không phải tất cả người già đều phải đối mặt với bệnh sa sút trí tuệ nhưng bệnh lý này có thể có rất sớm, ở người từ 50 tuổi. Tại Viện sức khỏe Tâm thần, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát. Số bệnh nhân là nữ giới mắc bệnh nhập viện nhiều hơn nam. Mặt khác, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì/ đái tháo đường type 2…

Có thể thấy bệnh sa sút trí tuệ đang tạo một áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để phòng ngừa gánh nặng do sa sút trí tuệ đem lại, người bệnh và gia đình người bệnh cần nhận thức và đánh giá sớm được dấu hiệu của bệnh.

BSCKII Nguyễn Thị Phương Loan - Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, để phòng ngừa sa sút trí tuệ, người cao tuổi cần thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng; Người cao tuổi phải thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng...; Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ; Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia; Khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế; Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng của căn bệnh sa sút trí tuệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO