Gánh vác việc Nước, việc Dân

Nam Việt 30/06/2020 14:00

Ngày 20/6/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: VGP).

Một lần nữa, công tác cán bộ lại được nhấn mạnh, cụ thể nhằm lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

1. Chỉ thị 45-CT/TW nêu rõ: Gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh cùng việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những vị ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân thì việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng “vận động” không lành mạnh.

Tham gia vào Quốc hội, HĐND cũng là ghé vai gánh vác việc Nước, việc Dân. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, trước hết và sau cùng là sự gánh vác, chứ không phải là nơi để nắm chức đoạt quyền để rồi “cua cậy càng, cá cậy vây”, trục lợi riêng, tạo vây cánh, nhóm lợi ích không trong sáng. Vào Quốc hội, HĐND cũng không phải là để tranh thủ diễn đàn phát biểu ý kiến cá nhân tác động xấu tới chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm của một người đại biểu cho cử tri, cho nhân dân trên tinh thần vì đất nước vì nhân dân mới là đảm lược của mỗi vị đại biểu, cho dù ở những cấp độ khác nhau. Khi tiếng nói của một vị ĐBQH, hoặc HĐND vang lên sẽ lập tức thu hút sự chú ý của xã hội. Chính vì thế, lựa chọn cho trúng, cho đúng người vào Quốc hội, HĐND là việc vô cùng hệ trọng, cần phải được làm chắc chắn từ khâu chọn lựa, hiệp thương, bỏ phiếu...

Đó cũng chính là công tác cán bộ mà Đảng luôn quán triệt trong mọi thời điểm và càng đặc biệt quan trọng trong bầu cử ĐBQH khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.

Chính vì thế, Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng; cũng như không để xảy ra tình trạng “vận động” không lành mạnh. Điều này trước đây đã từng xảy ra, tuy không dễ gì “bắt tận tay day tận trán” nhưng nó vẫn âm ỉ trong dư luận. Điều đó cần phải được loại bỏ, chỉ có như vậy mới có thể lựa chọn được những người thực sự vì Nước, vì Dân.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thực tế cho thấy trước mỗi kỳ bầu cử, đại hội thì lại xuất hiện những dư luận, những thông tin thiếu cơ sở trong đó có nhiều thông tin xuyên tạc sự thật. Một luồng thông tin khéo léo “vận động” cho người này người kia. Một luồng thông tin lại ra sức bôi nhọ một ai đó với mục đích loại bằng được người đó ra khỏi hệ thống. Tới nay, ở ta mạng xã hội đã phát triển hết sức mạnh mẽ, thông tin dày đặc, liên tục trong đó rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, tạo ra sự nhiễu loạn. Đây chính là thời điểm thông tin nhân sự bùng nổ, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý đồng thời cũng đòi hỏi sự nhận thức, phân tích, sàng lọc, chọn lựa của mỗi cá nhân phải được nâng cao hơn, tỉnh táo hơn.

2. Hội nghị Trung ương 12, khóa XII (khai mạc ngày 11/5/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026…

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước”. Đối với công tác chuẩn bị nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền...

Với bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới sẽ là lần thứ ba thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về đổi mới tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành. Do đó, việc chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, cũng có nghĩa là chọn lựa được những người thực sự xứng đáng cho Nước, cho Dân.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII (ngày 14/5/2020), một lần nữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới công tác cán bộ, lựa chọn nhân sự; “cán bộ và công tác cán bộ là cái gốc của mọi công việc, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Người cán bộ cách mạng phải có “tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả. Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm”. Bên cạnh đó cũng là đòi hỏi công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng thời nhấn mạnh: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. (5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. (6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. (7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Nhìn lại, việc lựa chọn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng cũng như trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì yếu tố “then chốt của then chốt” vẫn là công tác cán bộ. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác cán bộ. Ngày 20/2/1947, về thăm tỉnh Thanh Hóa, Người căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Đó chính là gốc rễ của vấn đề, luôn thời sự và luôn nóng bỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh vác việc Nước, việc Dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO