Gặp những nghệ nhân tài hoa

Anh Tuấn 24/09/2016 10:47

Hôm nay (24/9), Hội Di sản văn hoá và cổ vật Thanh Hoa (DS-CV Thanh Hoa) tổ chức lễ vinh danh những người thợ tài hoa trong lĩnh vực tạo tác các giá trị văn hoá vật thể từ chất liệu đồng, gỗ, đá.

Trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công ngày một tinh xảo hơn.

Dấu mốc quan trọng

Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Hội DS-CV Thanh Hoa nhớ lại: Hơn 10 năm qua, các nghệ nhân thuộc Hội DS-CV Thanh Hoa đã làm nên những kỳ tích. Chính ông Sơn là người có công khôi phục lại nghề đúc trống đồng chứa đựng giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc.

Vị Chủ tịch Hội DS-CV Thanh Hoa đã định hướng, tiếp thêm nhiệt huyết, thôi thúc các nghệ nhân mày mò, tìm tòi, nghiên cứu. Tất cả những yếu tố đó đã hun đúc, tạo nên kết quả của ngày hôm nay.

Những người thợ có khối óc giàu trí tưởng tượng, tự hào công bố: Họ chính thức hoàn thiện quy trình, công nghệ đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống vốn bị thất truyền suốt hàng nghìn năm qua.

Bằng chứng đã có hàng nghìn chiếc trống đồng được phục dựng hoàn thiện đang hiện hữu trên khắp mọi miền tổ quốc.

Chưa dừng lại, không ít chiếc trống đồng do người Việt tạo tác vượt ra ngoài bờ cõi, đang được trưng bày tại nhiều nước trên thế giới.

Ông Hồ Quang Sơn nhận định: Trống đồng là bảo vật truyền đời của giang sơn, xã tắc thường xuất hiện trong những dịp quốc sự với âm hưởng vang lên trầm hùng.

Mỗi khi giặc giã xâm lăng, trống đồng thôi thúc muôn dân đuổi thù; lúc khải hoàn tiếng trống rền vang đón các đạo hùng binh trở về.

Mỗi bận tế cáo trời đất, tiếng trống nâng bước các bậc đế vương đăng đàn hành lễ; lúc muôn dân tưng bừng mở hội, tiếng trống lại ngân vang hoà cùng điệu múa, câu ca tạo thành bản hợp xướng hân hoan cực độ.

Nhưng tất cả đã bị vùi sâu cùng trầm tích lịch sử, đặt ra nhiệm vụ đặc biệt đối với Hội DS-CV Thanh Hoa trọng trách nặng nề.

Qua nhiều tháng năm tìm chìa khoá giải mã cho nghề đúc trống đồng vốn dĩ không được ghi chép trong tàng thư cổ quả như chuyện mò kim đáy biển.

Tuy nhiên, qua nhiều lần thử nghiệm, kết quả được xác lập, nghề đúc đồng và nghề đúc trống đồng truyền thống có những điểm tương đồng ở kỹ thuật nấu và rót nguyên liệu vào khuôn.

Ngời sáng niềm tự hào

10 năm trôi qua, chúng tôi trở lại làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá), được đánh giá là nơi phát tích nghề đúc đồng, tạo trống của xứ Thanh, chứng kiến bao đổi thay đến bất ngờ.

Làng nghề vốn dĩ mới phục hồi ít năm gần đây. Các nghệ nhân xây dựng nhiều xưởng đúc đồ đồng, tạo trống giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao.

Ngay ở ngôi làng nhỏ bé này, cách đây chưa lâu, liền một lúc có tới 4 ông chủ lò đúc được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Họ được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh là bởi có những cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Những cái tên Đặng Ích Hoàn, Lê Văn Bảy, Nguyễn Bá Châu vốn nổi tiếng giờ càng trở nên hãnh diện hơn trước họ hàng, dòng tộc, bà con xóm giềng.

Điều làm chúng tôi tò mò khi gặp những Nghệ nhân ưu tú đó là đôi bàn tay của họ. Những bàn tay cứ tưởng chuyên cầm búa, nung nấu kim loại nặng sẽ thô ráp, sần sùi.

Song thật lạ kỳ, cả sáu bàn tay của ba nghệ nhân đều mềm mại khác thường. Nghệ nhân Lê Văn Bảy tâm sự: “Muốn tạo tác, phục dựng được những chiếc trống đồng do các bậc tiền nhân để lại, tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là trí tưởng tượng cộng với năng khiếu bẩm sinh. Muốn có được đường nét hoa văn tuyện mỹ hiển hiện trên mặt, thân trống đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Và đôi bàn tay đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với từng sản phẩm hoàn hảo trước khi trống được xuất xưởng”.

Rời quân ngũ trở về, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu chính thức nối nghiệp cha, nổi lửa nấu đồng đúc đồ gia dụng.

Suốt quãng thời gian đằng đẵng trôi qua nhiều thập kỷ, ông luôn đau đáu với từng đường nét trên những chiếc trống cổ mới được khai quật.

“Từ những chiếc trồng đống mới, tôi khẳng định bản thân có thể làm thành đồ giả cổ giống hệt với nguyên bản mà khó ai có thể phát hiện được”- nghệ nhân Nguyễn Bá Châu nói.

Dưới sự định hướng của Hội DS-CV Thanh Hoa, nghệ nhân Đặng Ích Hoàn là người đầu tiên phiên bản thành công chiếc trống đồng lớn nhất ở thời điểm năm 2006, được các ngành chức năng chứng thực.

Chiếc trống đồng này có đường kính 121cm, cao 100cm hiện đang trưng bày trang trọng trước sảnh UBND tỉnh Thanh Hoá.

Thành công hơn cả mong đợi tạo tiền đề, động lực để tới năm 2010, nghệ nhân Đặng Ích Hoàn tiếp tục phiên bản chiếc trống đồng có đường kính lên tới 210cm, cao 165cm, xác lập kỷ lục ở khu vực Đông Nam Á.

Đến hôm nay, những chiếc trống được đúc bằng phương pháp thủ công ngày một tinh xảo hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi cần được Hội DS-CV Thanh Hoa, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành lưu tâm giải mã để có sự đồng thuận trong chế tác.

Cụ thể như dùi, giá treo, bệ đặt trống… cần có sự thống nhất góp phần giúp cho âm vực của trống phát huy hết khả năng, tạo âm hưởng mang sắc khí hào hùng, mang giá trị đặc biệt của một loại hình nhạc cụ mỗi khi vang lên trong những dịp lễ hội trọng đại của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp những nghệ nhân tài hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO