Gấp rút hoàn thiện các bệnh viện dã chiến

Đức Trân 22/05/2021 07:06

Ngày 21/5, Bắc Giang vẫn là điểm nóng khi dẫn đầu về các ca mắc Covid-19. Tại cuộc họp sáng 21/5 của bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang, sau khi nghe đại diện các tiểu ban cập nhật công tác xét nghiệm và cách ly, điều trị, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể.

Dựng nhanh bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang. Ảnh: Quang Vinh.

Với công tác điều trị và cách ly, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, qua cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều ngày 20/5, đề nghị Tiểu ban điều trị xem xét phương án nếu số lượng bệnh tăng cao thì trưng dụng 1 cơ sở tập trung cho cả 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, vừa thuận lợi cho việc quản lý, vừa không làm tiêu tán nhân lực.

620 giường bệnh ở Bệnh viện dã chiến số 2

Một vấn đề đang đặt ra là phương án cách ly F1 tại nhà, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, phương án này cũng đã đề ra từ hồi dịch ở Đà Nẵng, tuy nhiên lúc đó chưa cần thiết áp dụng. Tuy nhiên, bộ phận thường trực đặc biệt cần lập tức nghiên cứu phương án này, đưa ra bản kế hoạch cụ thể, chi tiết để sẵn sàng cho tình huống cấp bách.

“Theo báo cáo thì các huyện hiện có 106 khu cách ly, tỉnh có 18 khu, có thể tiếp nhận thêm 6.000 trường hợp nữa. Cho nên hiện các khu cách ly tập trung vẫn đang còn khả năng tiếp nhận. Nhưng chúng ta không chủ quan, mà vẫn có sẵn phương án cách ly tại nhà, xem xét tình huống các trường hợp mà cả gia đình đều là F1”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đối với việc đưa vào khai thác BV dã chiến tại Nhà thi đấu Bắc Giang khoảng 600 giường, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt cho biết cần sớm huấn luyện ngay nguồn nhân lực cho cơ sở này. Ông Sơn đề nghị bộ phận phụ trách cơ sở điều trị: “Trước mắt tập trung hoàn thiện nhanh và sẵn sàng hoạt động ở BV dã chiến tại Nhà thi đấu. Các cơ sở dự phòng chưa cần thiết sẽ để nghiên cứu thêm”.

Trưa ngày 21/5, chúng tôi có mặt tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang - nơi được UBND tỉnh này trưng dụng làm BV dã chiến số 2 với 620 giường bệnh. Không khí ở đây rất khẩn trương, hối hả. Hàng trăm công nhân đang nỗ lực hoàn thành các hạng mục xây dựng bệnh viện dã chiến; nhưng tất cả đều giữ khoảng cách, thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Các trung tâm ICU đã sẵn sàng

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Sơn cũng đưa ra phương án cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng. “Các cơ sở hồi sức tích cực (ICU) trước mắt làm riêng ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Kinh phí dành cho ICU có phương án cam kết để nhà thầu dồn lực thi công sớm. Về thiết bị, hiện nay BV Bạch Mai có 8 máy thở, máy thận có thể cho mượn, giường đã sẵn. Một số trang thiết bị sẽ được Bộ Y tế cung cấp, cần tập trung hoàn thành lắp đặt toàn bộ sau 2-3 ngày” - ông Sơn nói.

Đi kiểm tra thực địa tại BV dã chiến số 2 Trung đoàn 831 cơ sở 2 đóng tại xã Quế Nhan, huyện Tân Yên, báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác, bác sĩ phụ trách cho biết: Hiện BV đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân để điều trị. BV hiện có 24 giường ICU (điều trị bệnh nhân nặng); 180 giường bệnh nhân thường với số lượng cán bộ y tế khoảng 124 người.

Còn tại BV Phổi tỉnh Bắc Giang, nơi đang hoàn thiện trung tâm ICU, đại diện BV cho biết mỗi tổ chia thành 4 kíp, phụ trách chung là bác sỹ BV Bạch Mai và BV 108, hiện có 210 giường để phục vụ bệnh nhân và đang lắp đặt 50 giường ICU cho bệnh nhân nặng.

Quản lý chặt các khu cách ly, chặn nguồn lây

Về tình hình các ca mắc, tỉnh Bắc Giang nhận định, số F0 trong một số ngày tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng tất cả đều trong khu cách ly, không lây lan rộng ra cộng đồng.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo, phân công lực lượng y tế và các lực lượng đảm bảo an ninh về phụ trách BV dã chiến số 2 tại Bắc Giang, rút kinh nghiệm để triển khai khẩn cấp nếu có tình huống tương tự ở các khu công nghiệp khác. Cũng tại cuộc họp, một số ý kiến cho thấy, các khu cách ly tập trung của Bắc Giang hiện chưa sử dụng hết công suất, nhưng vừa qua, do chuẩn bị gấp nên một số khu chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai khắc phục, để bảo đảm kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung theo đúng quy định.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Giai đoạn này thắng hay bại là ý thức của người dân, vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của tổ Covid cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội; tiến hành xét nghiệm tầm soát Covid-19 ở những khu vực nguy cơ… Đến nay, khoảng 900.000 người dân trong vùng cách ly, giãn cách xã hội của Bắc Giang đã thực hiện khai báo y tế. Đội ngũ tình nguyện viên đã chủ động gọi điện cho người dân để rà soát, thẩm định lại nội dung, thậm chí hỗ trợ người dân khai báo y tế chính xác để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

PGS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận định, các ca bệnh cộng đồng liên quan đến công nhân các khu công nghiệp bắt đầu xuất hiện. Nguồn lây có thể từ khu công nghiệp, từ Thuận Thành về. Ngoài ra, theo ông Dương còn đang phải truy tìm nguồn lây của một số ca nữa. Vì thế, Bắc Giang cần giám sát cộng đồng nghiêm ngặt hơn nữa.

Tại cuộc làm việc với Bắc Giang ngày 21/5, khi nói về tình hình xét nghiệm trong các khu cách ly, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị bộ phận phụ trách xét nghiệm cần xem xét phương án tập huấn cho người dân về tự xét nghiệm nhanh, tại các khu cách ly, khoảng 5 ngày/lần. Yêu cầu thư ký bộ phận làm công văn yêu cầu các đơn vị xét nghiệm trong 24 giờ phải trả kết quả.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chiều 21/5, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết: Hiện nay, việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại các khu công nghiệp đã cơ bản được kiểm soát. Các ca F0 phát sinh hàng ngày dù ở mức cao nhưng chủ yếu là các đối tượng đã được cách ly tập trung hoặc ở trong vùng đã bị cách ly. Có thể nói, nhờ tinh thần đoàn kết, cộng thêm sự chi viện kịp thời, tới giờ phút này địa phương vẫn đang kiểm soát được tình hình. Vì vậy, ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch lúc này là ngăn chặn dịch lây lan ra ngoài cộng đồng.

Ông Khoa cũng cho biết thêm, tình hình điều trị các ca bệnh mắc Covid-19 hiện thời đang trong tầm kiểm soát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng 12.000 tỷ đồng từ ngân sách mua vaccine dập dịch Covid-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.

Theo đó, UBTV Quốc hội quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết này, UBTV Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vaccine phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vaccine của Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gấp rút hoàn thiện các bệnh viện dã chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO