Gấp rút ứng phó với thuế suất tối thiểu toàn cầu

Thái Nhung 20/03/2023 14:53

Ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp nhằm lấy ý kiến về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam để có cơ sở xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Là một quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%, thậm chí nếu đang trong thời gian miễn giảm thuế thì thuế suất còn thấp hơn.

Chính sách ưu đãi thuế bị vô hiệu hóa

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, liên quan đến vấn đề thuế suất tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành để tham mưu kịp thời cho Chính phủ về vấn đề này.

Nhằm bảo đảm ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư và xem xét cơ chế để thu hút đầu tư. Thứ trưởng thông tin thêm, khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho các doanh nghiệp như miễn thuế hay thuế suất dưới 15% sẽ không còn tác dụng nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chính sách, tới phương tiện, tới công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là nếu Việt Nam không thu thêm thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng chịu thuế thu nhập toàn cầu cũng phải nộp bổ sung tại các nước khác. Do vậy Việt Nam cần phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thế nào để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam và là công cụ để thu hút nguồn đầu tư mới vào Việt Nam. Đảm bảo chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam những năm qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra 3 nhóm vấn đề cần phải giải quyết: Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam như thế nào để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vẫn tiếp tục tạo được sức thu hút về đầu tư mang tính cạnh tranh trong khu vực;

Các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần có giải pháp nào để áp dụng quy định này hay không? nếu phải áp dụng thì Việt Nam nên thu thuế bổ sung hay để cho nước có nhà đầu tư thu? Trong trường hợp nếu Việt Nam thu thì cần áp dụng biện pháp hỗ trợ gì để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư mà vẫn phù hợp với cam kết quốc tế, tránh khiếu kiện giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư;

Sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ tác động tới các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn tác động đến các nhà đầu tư của Việt Nam đã ra nước ngoài hoặc sắp đầu tư ra nước ngoài.

Không chỉ quan tâm đến ưu đãi thuế

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng từ năm 2024, điều đó ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%.

Tại cuộc họp, các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Samsung, Canon và các Hiệp hội doanh nghiệp đều rất quan tâm đến các chính sách sắp tới của Việt Nam khi thuế thu nhập doanh nghiệp bị “cào bằng”.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân nhà đầu tư hiện hữu và thu hút các nhà đầu tư mới bởi Việt Nam đang dùng chính sách thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

"Tuy nhiên chúng tôi không chỉ quan tâm đến vấn đề thuế. Chúng tôi còn quan tâm đến nhiều yếu tố khách quan nữa như tiềm năng tăng trưởng, môi trường đầu tư, thuế thu nhập cá nhân…và theo khảo sát của chúng tôi, chỉ 24% doanh nghiệp quan tâm đến việc ưu đãi về thuế. Chúng tôi cũng đề xuất một giải pháp cho Việt Nam đó là thu hút thêm đầu tư ở các khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là những doanh nghiệp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Nakajima Takeo nói.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các doanh nghiệp châu Âu là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn nhưng phải xác định thuế tối thiểu toàn cầu là cuộc chơi toàn cầu. Trong cuộc chơi toàn cầu này, Việt Nam có nhiều lợi thế nếu Việt Nam kịp thời giải quyết một số vấn đề trong thủ tục hành chính.

Theo ông Minh, trong cuộc khảo sát mới đây do hiệp hội này tổ chức thì đa số các doanh nghiệp đều hài lòng với môi trường đầu tư đang dần được cải thiện, 70% cho rằng cần phải cải thiện thủ tục hành chính, 53% cho rằng Việt Nam cần cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và 28% là quan tâm đến vấn đề thuế. Ông Minh nói “Với những tập đoàn có doanh thu trên 750 triệu euro thì thuế không phải là vấn đề”. Đại diện này cũng đề xuất việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư năng lượng tái tạo.

Đại diện của các doanh nghiệp như Samsung, Canon hay Foxconn… cũng đưa ra sáng kiến Việt Nam phải giữ được quyền thu thuế tối thiểu toàn cầu trên đất Việt Nam để có thể vận dụng linh hoạt và nhanh chóng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gấp rút ứng phó với thuế suất tối thiểu toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO