Gạt lo lắng để lao vào tâm dịch

Nguyễn Hoài 27/02/2022 10:48

Đó là tâm sự của các bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng tham gia cuộc chiến chống Covid-19 với tâm thế sẵn sàng vì người bệnh.

Từ tháng 5/2021, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) mới nhận những ca F0 đầu tiên. Từ đó đến nay, số ca nặng cứ tăng dần lên. Các bác sĩ tại đây chỉ mong có một ngày được nghe công bố hết dịch để không có bệnh nhân nào phải nhập viện nữa.

Sức khỏe của bệnh nhân là phần thưởng lớn nhất

Ở ngưỡng 93, cái tuổi gần đất xa trời, ông Lưu Văn Hoa (phường Kim Mã, Hà Nội) vừa vượt qua ranh giới sinh - tử. Những ngày giành giật với Covid-19 từng hơi thở trong Bệnh viện đa khoa Đức Giang, ông Hoa mới thấy được sự tận tâm, nỗ lực của các y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ông Hoa nhập viện từ ngày 15/2. Sau hơn 10 ngày chiến đấu với bệnh tật, ông Hoa may mắn khỏi bệnh và được xuất viện ngày hôm qua, 26/2.

Những ngày nằm viện, có những giây phút, ông tưởng chừng không thể nhìn mặt con cháu được nữa. Thế nhưng, không chỉ tận tình, hết sức điều trị cho ông, các y, bác sĩ còn liên tục động viên ông mạnh mẽ chiến đấu với dịch bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Qua 11 ngày điều trị tích cực, sức khỏe ông dần bình phục. Phép màu đã đến với ông khi ông nhận kết quả âm tính. “Biết ơn bác sĩ”, ông Hoa nói với tôi.

Có lẽ, với các y, bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng tham gia cuộc chiến chống Covid-19, phần thưởng lớn nhất của họ là sức khỏe của bệnh nhân.

Tham gia chống dịch từ những ngày đầu tiên, Tết vừa qua, bác sĩ Lê Văn Đán cũng có một cái Tết đáng nhớ. Thay vì sum họp bên gia đình, Tết năm nay, bác sĩ Đán đón Tết cùng bệnh nhân Covid-19 với nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, nhiều trường hợp không qua khỏi.

Nhưng niềm vui của bác sĩ Đán là sự hồi sinh diều kỳ của nhiều người bệnh. Bác sĩ Đán kề về trường hợp của một bệnh nhân cao tuổi. Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng suy hô hấp, thở mark tối đa không đáp ứng. Các bác sĩ phải chuyển thở HFNC (thở oxy dòng cao). Thế nhưng chỉ sau 6 giờ bệnh nhân tiếp tục suy hô hấp không đáp ứng với thở HFNC, họ tiếp tục chuyển thở máy xâm nhập.

“Trước khi thở máy bệnh nhân còn tỉnh táo, tâm sự rất nhiều nhưng khi đang thở oxy dòng cao, bệnh nhân nói chuyện trở nên khó khăn. Bác ấy nghĩ mình sẽ chết.

Tuy nhiên sau bảy ngày thở máy xâm nhập, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tỉnh táo dần, thở oxy gọng, rồi hết suy hô hấp. Bệnh nhân được ra viện nhưng vẫn không tin mình còn được sống. Còn chúng tôi, được chứng kiến bệnh nhận khỏi bệnh, không niềm vui nào bằng”, bác sĩ Đán tâm sự.

Sẵn sàng hy sinh, đồng hành cùng người bệnh

Bệnh viện đa khoa Đức Giang bắt đầu tiếp nhận những ca F0 đầu tiên từ tháng 5/2021, huy động 60 y, bác sĩ, điều dưỡng phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.

Là người đứng đầu Bệnh viên Đa khoa Đức Giang, thời gian qua, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện đã có nhiều đêm thức trắng vì lo lắng.

Nhớ lại thời gian đầy khó khăn ấy, TS Thường cho biết, tâm lý đội ngũ y, bác sĩ những ngày đầu tiên ai cũng lo sợ.

Bởi Covid-19 là bệnh mới, chưa gặp bao giờ nên phần vì họ sự lây, phần họ e ngại chuyên môn chưa biết điều trị như thế nào khi thuốc, phác đồ điều trị chưa rõ ràng, trang thiết bị lúc đầu chưa có quy chuẩn… mà đọc trên báo chí thì tỷ lệ tử vong cao.

Phần thưởng lớn nhất của các bác sĩ là sức khoẻ của bệnh nhân.

Trong khi đó, tâm lý người bệnh khi mắc Covid-19 mới điều trị thường rơi vào stress, tâm lý không ổn định.

Bác sĩ Lê Mạnh Thường, Trưởng đơn nguyên Covid 2, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là một trong những bác sĩ đầu tiên của bệnh viện nhận nhiệm vụ theo dõi, điều trị trực tiếp cho bệnh nhân F1, F0.

Vốn là bác sĩ chuyên khoa nhi nhưng khi dịch bệnh bùng phát, anh được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19 người lớn nên bác sĩ Trường không khỏi lo lắng.

Bác sĩ Trường cho hay: “Lúc đó, tôi lo không biết điều trị thế nào, khám ra sao, giao tiếp với bệnh nhân thế nào khi mình mặc bảo hộ kín mít, rồi lo lây nhiễm. Nếu lây thì không biết sẽ như thế nào? Nhưng xác định đó là trách nhiệm nên tôi cũng gạt những lo lắng để lao vào công việc”.

Từ đó đến nay, ca nặng phải nhập viện của Bệnh viện đa khoa Đức Giang cứ tăng dần lên. Hiện giờ, bệnh viện được giao 400 giường nhưng thường xuyên hơn 300 bệnh nhân. Trong đó có hơn 100 bệnh nhân nặng thở oxy trở lên.

Càng nhiều ca nặng thì các y, bác sĩ càng vất vả hơn. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, gần 200 y, bác sĩ bệnh viện đã phải ở lại trực xuyên Tết. Mệt mỏi có, chạnh lòng có nhưng vì nhiệm vụ họ sẵn sàng hi sinh, đồng hành cùng người bệnh để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Trực tiếp tham gia chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 đến nay đã ba tháng, điều dưỡng Đào Thị Hằng chia sẻ, chị không cảm thấy lo lắng mà ngược lại, chị tham gia cuộc chiến với tâm thế sẵn sàng tiếp lửa cho các đồng nghiệp.

Tết Nguyên đán vừa qua, chị Hằng cũng không được về quê ăn Tết cùng gia đình. Nhưng chị cho hay: "Tôi không cảm thấy cô đơn mà chỉ buồn vì số ca mắc ngày một tăng".

Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân F0 thuộc tầng 3. Dự báo thời gian tới, số ca tiếp tục tăng lên. Ban giám đốc bệnh viện luôn động viên anh em cố gắng nỗ lực hơn nữa, xác định hết năm 2022 dịch mới “hạ nhiệt”.

Với họ, mong muốn lớn nhất bây giờ là Hà Nội giảm số ca mắc mới và một ngày được nghe công bố hết dịch để không có bệnh nhân nào phải nhập viện nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gạt lo lắng để lao vào tâm dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO