Ghi ở Trung Sơn

Tùng Duy - Ngô Hùng 08/12/2022 08:41

Chiếc Ford Ranger nhọc nhằn bám từng mét dốc. Chỉ 15km từ thị trấn Yên Lập dẫn vào Trung Sơn - xã vùng sâu khó khăn nhất miền Tây tỉnh Phú Thọ, con đường gập ghềnh những đá hộc và “ổ voi”. Chốc lát chiếc xe lại cài số trườn lên rồi lách qua những đống sạt lở. Phải bỏ lại ô tô, chúng tôi mượn xe máy của một trạm Kiểm lâm để lội vào Trung Sơn trước lúc trời tối.

Đường vào Trung Sơn, xã vùng sâu khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, tiềm ẩn nguy hiểm do sạt lở thường xuyên.

Vượt qua núi Cổng Giời đã thấy những con đường bê tông khang trang dẫn vào các bản, trong đó có Khe Gầy - bản heo hút nhất ở Trung Sơn, nơi có 70 hộ dân sinh sống. "Nhờ con đường mà cuộc sống của bà con ở đây giờ đã khác nhiều rồi. Cái khó, không còn quẩn chân bà con nữa" - Phó Chủ tịch xã Trung Sơn Phùng Xuân Liên nói lúc đưa chúng tôi vào bản.

Trước, trẻ con Khe Gầy từng bỏ lớp vì lũ chia cắt. Đàn bà đau đẻ sinh tử mệnh giời. Người ốm chỉ biết cúng đuổi ma hoặc dùng lá rừng thay thuốc. Núi lấp mặt người, mơ có điện sáng là chuyện xa vời. Trâu bò què gãy liên miên cũng vì lăn vực.

Khe Gầy, Khe Bằng, Đồng Măng... Cả thảy 15 bản của Trung Sơn toàn bám nơi vực vách. "Chỉ vài cây số nhưng hộ nào khá chút muốn đưa đón trẻ ra lớp thì phải sắm hai xe máy. Đèo con từ bản ra mép suối, bố cõng con lội ngang bụng, sang bờ thì lấy xe kia đi tiếp. Lúc đón về cũng thế.

"Chính nhà tôi bao năm qua lúc nào cũng phải có hai cái xe để đưa đón con đi lớp. Bao cô giáo miền xuôi lên đây chỉ ngóng ngày về xuôi" - Phó Chủ tịch xã Trung Sơn Phùng Xuân Liên vẫn ám ảnh về những năm tháng khó khăn ấy...

Thăm gia đình anh Triệu Văn Phú ở bản người Dao xã Trung Sơn.

Xã miền núi đặc biệt khó khăn chiếm tới một phần tư diện tích huyện Yên Lập, Trung Sơn gần như không có mặt bằng tự nhiên, chủ yếu là núi cao, vực sâu, và 97% dân số là đồng bào Mường, Dao, Tày. Hàng trăm hộ dựng nhà cheo leo bờ vực, và tất cả đường liên bản đều là đường đất. Ai cũng ngại đến Trung Sơn. Chỉ một cơn mưa rào nhỏ đã khiến cả xã bị cô lập. Giao thương tắc nghẽn. Cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Thậm chí nhắc đến Trung Sơn người ta lại nhắc đến những người đàn ông ế vợ chỉ vì... nghèo.

Quyết không để Trung Sơn bị bỏ lại phía sau, huyện Yên Lập và tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia của Ủy ban Dân tộc, liên tục hơn 10 năm qua đã triển khai nhiều chương trình hành động để vực dậy vùng đất nghèo này.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện lặn lội về từng bản. Cán bộ Nông nghiệp cũng đến từng nhà hướng dẫn cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Còn cán bộ tỉnh thì xoay xở nguồn lực xây điện, đường, trường, trạm. Cán bộ xã làm gương trồng trọt, chăn nuôi...

Tất cả vào cuộc với một "Nghị quyết Trung Sơn" bằng nỗ lực cao nhất có thể. 33km đường được bê tông hóa, xây mới trụ sở xã và trạm y tế, kéo hàng chục km đường điện về bản, kiên cố toàn bộ trường học. Và đặc biệt không còn cảnh đàn ông ế vợ. Cây quế bén duyên thổ nhưỡng, mở rộng cả 1.800ha, tạo kinh tế chủ lực của toàn dân trong xã, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 28 triệu đồng (năm 2022), tỷ lệ nghèo giảm còn 23%...

Ngồi giữa gian nhà lát đá hoa sạch sẽ, bên chén trà quê thơm ngọt lúc vào thăm gia đình anh Triệu Văn Phú ở bản Khe Gầy, Phó Chủ tịch xã Phùng Xuân Liên cho biết, hầu hết các hộ đã có tivi, xe máy, có hộ nhờ quế mà sắm được cả ô tô.

"Nay cả xã chỉ cỏn 5 bản chưa có đường bê tông nối ra trung tâm, và còn khoảng 40km đường đất, nhưng Trung Sơn sẽ cố gắng, và tự huy động người dân hiến công, hiến đất để làm đường. Hết tháng 11/2022 đã có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt rồi" – Ông Liên phấn khởi nói.

Sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của người dân, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây đã thực sự “thay da đổi thịt”. Phó Chủ tịch xã Phùng Xuân Liên cũng kể thêm về những món quà của Trung ương gửi đến những dịp Trung thu cho các em nhỏ, hay những chuyến "phượt" thiện nguyện của người miền xuôi mỗi dịp giáp Tết...

Đón nhận sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, của những mạnh thường quân, Trung Sơn đã thực sự “thay da đổi thịt”. Chúng tôi được Chủ tịch xã Trung Sơn dẫn ra phía hồ đập Ngòi Giành, nơi có cảnh sơn thủy đẹp tựa tranh vẽ. "Con đường từ huyện vào xã sắp được làm rồi. Địa phương sẽ có khu du lịch sinh thái, rồi khách du lịch sẽ về Trung Sơn. Cùng với những héc ta quế bạt ngàn, đời sống của người dân ngày càng ấm no hơn. Xã cũng đã có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao rồi nhé. Năm ngoái xã đưa 28 vận động viên ra huyện thi đấu 5 môn đấy. Đổi thay đáng mừng chứ nhà báo?" - Chủ tịch xã Trung Sơn Đinh Văn Đóa phấn chấn khoe.

Quyết không để Trung Sơn ở lại phía sau. Tất cả vào cuộc với một "Nghị quyết Trung Sơn" bằng nỗ lực cao nhất có thể. 33km đường được bê tông hóa, xây mới trụ sở xã và trạm y tế, kéo hàng chục km đường điện về bản, kiên cố toàn bộ trường học. Và đặc biệt không còn cảnh đàn ông ế vợ. Cây quế bén duyên thổ nhưỡng mở rộng cả 1.800ha, tạo kinh tế chủ lực của toàn dân trong xã, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 28 triệu đồng (năm 2022), tỷ lệ nghèo giảm còn 23%...

Phú Thọ có 34 dân tộc anh em (hơn 200.000 người là đồng bào thiểu số). Những năm trước đây tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khá cao. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các giải pháp khác, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Phú Thọ đầu tư hơn 600 tỷ đồng thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó, gần 500 tỷ đồng xây dựng 1.885 công trình… Từ chính sách dân tộc mà các xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực 1 và 2 vùng dân tộc thiểu số đến nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% đến 5%/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi ở Trung Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO