'Ghìm cương' giá

H.Vũ (thực hiện) 11/07/2022 08:00

Nền kinh tế đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng cùng kỳ trong hơn 10 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên khó khăn trước mắt đang đặt ra những rào cản lớn đối với việc kiểm soát lạm phát, kiểm soát thị trường giá cả” – ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định như vậy khi trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Trần Văn Lâm.

PV: Thưa ông dù còn nhiều khó khăn nhưng GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để đạt được mức tăng trưởng như vậy là một sự nỗ lực lớn, thưa ông?

Ông Trần Văn Lâm: Kết quả này một phần do các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta đã đạt được kết quả tốt. Các chính sách hỗ trợ phục hồi cho tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã phát huy hiệu quả.

Có thể thấy, dịch bệnh đã khiến các nguồn lực của chúng ta bị bó lại như lò xo. Do đó, khi khống chế được dịch thì năng lực sản xuất “bung ra” và phát huy. Từ đó tạo nên sự tăng trưởng trong quý II cao như vậy.

Tôi cho rằng, kết quả này là sự nỗ lực của chúng ta trong cả một quá trình từ lúc bắt đầu chống dịch cho đến khi dịch được cơ bản khống chế. Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, du lịch phát triển trở lại, công nghiệp được giải phóng năng lực sản xuất, các lĩnh vực dịch vụ bắt đầu phục hồi. Có thể sự phục hồi chưa đạt được mức đỉnh như thời điểm trước dịch, nhưng hiện tốc độ phát triển rất nhanh. Nhiều địa phương đạt được mức tăng trưởng cao là minh chứng rõ nét.

Thời điểm này, giá xăng dầu, xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng BA.5... đang là những yếu tố gây khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian tới và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát?

- Tốc độ tăng trưởng trong quý II cao là một thành tích tốt, nhưng khó khăn phía trước vẫn còn nhiều. Chúng ta phải làm sao duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế được vận hành một cách ổn định và hiệu quả trước những yếu tố tác động từ bên ngoài. Về giá xăng dầu, vừa rồi tại phiên họp bất thường Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Tới đây phải triển khai các giải pháp khác nữa để kìm giá xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát, giữ ổn định các cân đối vĩ mô.

Xung đột Nga-Ukraine cũng khiến thị trường bị xáo trộn cả đầu vào và đầu ra. Cùng với đó, là tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 khi xuất hiện biến chủng mới BA.5. Hiện một số nước trên thế giới đã hứng chịu và lo đối phó khi dịch đã bùng phát trở lại. Vì thế thách thức đặt ra với kinh tế 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý Chính phủ cần nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Còn tại cuộc họp mới đây, bàn nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu có các giải pháp đồng bộ trong điều hành giá xăng dầu. Theo ông, đâu là giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu này?

- Chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá xăng dầu nữa. Vì cấu thành trong giá xăng dầu có tới 35-45% là chi phí về thuế, phí, chi phí lưu thông của xăng dầu. Hiện thuế bảo vệ môi trường đã giảm “kịch khung”. Còn thuế xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng phải chờ Quốc hội họp mới có thể điều chỉnh.

Thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt là thu trên giá cả. Cho nên nguồn thu từ các thuế này đều tăng cả. Nguồn thu tăng đó đủ để chúng ta bù đắp cho việc giảm một số loại thuế, phí. Không sợ vỡ dự toán mà hoàn toàn trong điều kiện ngân sách cho phép. Vấn đề là Chính phủ quyết liệt điều hành ở mức độ nào và đây là cái cần cân nhắc tính toán.

Trong tất cả vấn đề trước tiên là lo kiểm soát lạm phát. Trong các biện pháp kiểm soát, rất cần kiểm soát giá xăng dầu, giá cả các mặt hàng vật tư đầu vào vì nó đẩy chi phí tăng cao. Còn với giá dịch vụ y tế; giá sách giáo khoa; giá điện... nếu có điều chỉnh cũng cần phải tính thời điểm, mức điều chỉnh nào cho phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả...

Cá nhân ông có khuyến nghị gì để ổn định thị trường giá cả?

- Các giải pháp chúng ta đã và đang làm rồi. Cần phải nhấn mạnh rằng, trong những tháng đầu năm chúng ta kiểm soát được lạm phát một phần là nhờ giá nông sản của ta thấp. Nhưng đó cũng là yếu tố bất lợi kiềm chế sự phát triển của nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người nông dân. Bởi giá các lĩnh vực khác tăng rất cao nhưng giá các sản phẩm nông nghiệp lại xuống. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường Trung Quốc vẫn áp dụng “Zero Covid” nên nông sản của ta khó khăn. Còn thị trường Nga và Ukraine và một số thị trường khác cũng sẽ bị đóng băng nên cần có giải pháp tìm kiếm thị trường thay thế để hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Ghìm cương' giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO