Giá trị bất động sản tăng theo hạ tầng giao thông thấy rõ, đặc biệt việc đầu tư nhiều dự án khiến thị trường vùng ven ngay lập tức phát triển mạnh.
Tại hội thảo “Nhận diện lực đẩy thị trường bất động sản vùng TP HCM mở rộng năm 2021”, do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, diễn ra tại TP HCM ngày 16/4, các chuyên gia cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông tại TP HCM để liên kết với các vùng phụ cận như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long chính là lực đẩy giúp thị trường bất động sản phát triển.
Cao tốc đi đâu sốt đất tới đó
Tại hội thảo, TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm.
Trong đó, phát triển giao thông vận tải là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị, là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo ông Mười, giá trị bất động sản tăng theo hạ tầng giao thông thấy rõ, năm 2010, khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, và sắp tới là các dự án lớn như CHKQT Long Thành, cầu Cát Lái bắc từ TP HCM qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai khiến thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển mạnh.
Các dự án luôn nằm giáp với địa phận TP HCM và đặc biệt là dự án bám sát vào hạ tầng giao thông kết nối với TP HCM.
Còn tại Dĩ An (Bình Dương), thị trường bất động sản đã tăng trưởng nhanh chóng khi khu vực này tiếp giáp và kết nối thuận tiện với TP HCM qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1.
Tương tự, là cửa ngõ kết nối TP HCM - Tây Nam Bộ, thị trường bất động sản tại các khu vực giáp TP HCM trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã gia tăng nhanh chóng với việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, mở rộng các tuyến Quốc lộ 22, QL1, đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh.
Tuy vậy, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải khuyến cáo, các thông tin quy hoạch hạ tầng nói chung của các dự án trọng điểm trong vùng TP HCM, cũng như cả nước đều được công bố công khai trên website và phương tiện thông tin đại chúng.
Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về việc quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cần phát triển địa ốc bền vững cho TP HCM và vùng mở rộng phía Nam
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đề xuất, để phát triển bất động sản bền vững, hiện nay, vấn đề khó khăn lớn nhất là quỹ đất để thực hiện các dự án bất động sản. Thời gian qua giá đất tăng cao, việc quy hoạch các quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án vẫn còn nhiều bất cập.
Do đó, để hài hòa được vấn đề này nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, đặc biệt thu hồi đất để tạo ra các quỹ đất lớn sau đó đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Một vấn đề nữa là bất cập từ thủ tục pháp lý, nhà nước cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn, qua đó, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở hiện nay, ông Phúc nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Thắng Lợi cũng cho rằng, về quy hoạch vùng mở rộng hay là vùng quy hoạch vệ tinh TP HCM. Để thành công với chiến lược này, cần tạo ra được 3 yếu tố, đó là: Công việc, môi trường sống, kết nối giao thông. Hiện tại, các khu đô thị vệ tinh ở Bình Dương, Đồng Nai,.. mới giải quyết 1 trong 3 yếu tố. Do đó, bài toán đô thị nén mới chỉ được giải quyết 1 phần.
Có thể thấy, việc di chuyển của những người dân sống gần địa bàn vùng ven về sẽ có nhiều thuận lợi, còn với những cư dân ở khu vực trung tâm sẽ khó khăn nhiêu hơn do kết nối giao thông. Với việc kết nối hạ tầng và kết nối giao thông, trục động lực kết nối địa phương, mỗi địa phương có cách kết nối khác nhau.
Mặt khác, khi đầu tư vào các vùng TP HCM mở rộng gặp khó khăn về hành lang pháp lý, đó là đền bù giải tỏa.
Do đó cần phải có các quỹ đất sạch, lớn được giải phóng mặt bằng sạch, kết nối giao thông thuận lợi và cho doanh nghiệp tham gia, giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ thấp và người dân sẽ tiếp cận bất động sản dễ hơn đó là cách để phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho rằng, Bình Dương đã triển khai các chương trình phát triển đô thị và nhà ở. Chính sách thu hút, đón đầu của tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế xã hội và nhà ở đã được thực hiện từ trước.
Trong quá trình diễn biến xã hội đã có khó khăn, lớn nhất là giao thông ùn tắc do Bình Dương nằm ngay đầu TP HCM nên hàng hóa đổ về đây rất lớn.
Theo ông Ngân, từ năm 1996 tỉnh Bình Dương đã có chiến lược, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh Bình Dương luôn mời gọi nhà đầu tư. Về chính sách, chủ trương luôn được công khai minh bạch, lãnh đạo thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Có thế nói, tỉnh Bình Dương đã có sự quan tâm to lớn và hiểu yếu tố quan trọng của nhà đầu tư đến Bình Dương. Tuy vậy, quản điểm của tỉnh Bình Dương luôn muốn nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản có tính bền vững.