Giá cả hàng hóa những ngày chống dịch

Bắc Phong 14/05/2021 11:20

Từ chiều ngày 12/5, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng, RON 95 tăng 370 đồng, dầu tăng tối đa 570 đồng một lít.

Cơ quan điều hành cũng chi 1.900 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95 là 1.050 đồng. Mức chi dầu mazut là 500 đồng một kg, dầu diesel và dầu hoả là 400 đồng mỗi lít.

Giá xăng dầu tăng tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội.

Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp từ tháng 4 đến nay. Tổng cộng xăng RON 95 đã tăng thêm 560 đồng một lít, và E5 RON 92 đắt thêm 620 đồng một lít.

Lâu nay, giá xăng dầu trong nước lên xuống theo giá dầu thế giới. Khi giá dầu thế giới tăng thì theo nguyên tắc giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng. Đó cũng là quy luật thị trường khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần phải cân nhắc tăng giá trong thời điểm này khi mà chúng ta đang phải tập trung chống dịch Covid-19 bùng phát, buộc phải hạn chế nhiều mặt, nên kinh tế nói chung là gặp khó khăn, thu nhập của một bộ phận người dân giảm. Trong khi đó, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu, liên quan và tác động tới nhiều hoạt động của xã hội.

Đây không phải là lần tăng giá xăng dầu đột biến nhưng dẫu thế thì cũng cần phải đặt ra việc tăng giá ở thời điểm nào là phù hợp. Tất nhiên không phải chỉ với xăng dầu mà còn với nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là với những loại hàng hóa cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Cũng trong ngày 12/5, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị số 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công thương liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động phương án hoặc đề xuất biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Cùng đó, phối hợp cùng các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức tăng giá đột biến trong nước.

Như vậy là việc bảo đảm ổn định giá cả, rõ hơn là kiềm chế không để giá cả leo thang trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, đều được cơ quan quan lý nhà nước nhận thức rõ và cũng sớm có chỉ đạo thực hiện. Thực tế cho thấy, thời gian qua khi có những biến động trong xã hội thì một số mặt hàng lại “té nước theo mưa” tăng lên, có khi tăng rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là với những người làm công ăn lương, người nghèo, người về hưu. Một mặt hàng tăng, mặt hàng khác “nhìn vào”, rồi thì đồng loạt nhấp nhổm tăng giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, với doanh nghiệp, một trong những giải pháp “cắt lỗ”, có khi là để hưởng lãi cao chính là tăng giá. Với những mặt hàng vẫn do Nhà nước quản lý thì cũng có những doanh nghiệp chỉ vì lợi ích của mình nên vẫn đề xuất, xin tăng giá ngay trong lúc xã hội gặp khó khăn. Điều đó gây bức xúc xã hội, làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Còn với bên ngoài, giá cả lên xuống theo cơ chế thị trường cũng là điều dễ hiểu, nhưng vấn đề ở đây chính là vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương. Không thể ai muốn làm gì thì làm, muốn “tâng” giá lên bao nhiêu cũng được. Điều đó phá vỡ sự bình ổn thị trường, làm cho lạm phát tăng cao. Nếu giá tăng cao đưa tới lạm phát cao, thì dẫu mức tăng trưởng (GDP) có cao đi chăng nữa thì cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Cũng chính vì thế, dư luận không khỏi băn khoăn khi xăng tăng giá lần này.

Nhưng cũng may mắn là vào lúc này, các địa phương trong cả nước đã chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa lớn để sẵn sàng tung ra thị trường nhằm bình ổn giá. Cho đến nay, giá cả các loại hàng hóa sinh hoạt trong phạm vi cả nước không tăng, vẫn giữ được mức trước khi dịch bùng phát (kể từ ngày 27/4/2021). Ngay cả trong vùng có dịch, bị phong tỏa, cách ly thì giá cả cũng không tăng, vẫn đủ hàng hóa cho người dân.

Một điểm sáng cũng cần nêu lên là lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trở lại vấn đề giá cả trong khi đang tập trung các nguồn lực chống dịch Covid-19 bùng phát, phải hết sức cân nhắc trước khi tăng bất cứ mặt hàng nào, đặc biệt là với những mặt hàng thiết yếu. Đó cũng chính là góp phần cùng Đảng, Nhà nước, cùng toàn dân chống dịch

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cả hàng hóa những ngày chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO