Giá cả leo thang: Sinh viên, người lao động 'méo mặt'

NGUYỄN HOÀI 08/03/2022 07:31

Giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh kéo theo giá cả nhiều mặt hàng hóa nhu yếu phẩm cũng tăng theo, khiến người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên, người lao động thu nhập thấp choáng váng.

Từ đầu tháng 3, giá xăng dầu liên tục vượt đỉnh kéo theo giá cả nhiều mặt hàng hóa nhu yếu phẩm cũng liên tục tăng.

Chóng mặt vì giá

Đợt điều chỉnh từ 15 giờ chiều 1/3 đã đưa giá xăng dầu trong nước vượt đỉnh. Cụ thể, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/3 đang ở mức: Xăng E5 RON 92 không quá 26.077 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.834đồng/lít; dầu diesel không quá 21.310 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.978 đồng/lít và dầu mazut không quá 18.468 đồng/kg. Mức giá này đã lập kỷ lục mới trong khoảng 8 năm trở lại đây. Đây cũng là lần tăng giá xăng, dầu thứ 6 liên tiếp trong 2 tháng đầu năm.

Trong khi đó, giá gas cũng có đợt điều chỉnh tăng lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay. Từ ngày 1/3, giá gas tăng thêm 3.500 đồng/kg, tương đương với 42.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/3. Như vậy, giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đã vượt mức 500.000 đồng.

Xăng dầu, gas tăng giá kéo theo các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau củ, thịt lợn, thịt bò… cũng nhảy giá. Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)…, giá thịt lợn, thịt gà, nhiều loại rau củ quả,… có nhiều biến động.

Cụ thể, trong sáng 7/3, tại chợ Phùng Khoang, các loại thịt lợn như: sườn, nạc vai, ba rọi giá 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt gà tăng từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg.

Sau 1 tuần tăng giá đột biến, giá các mặt hàng rau củ đầu tuần này vẫn giữ bằng giá mới của tuần trước. Tại các chợ dân sinh quanh khu vực phường Kim Mã (quận Ba Đình), từ đầu tháng 3, giá rau củ tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy loại, như: giá rau muống có giá 20.000 đồng/bó (tăng hơn 5.000 đồng/bó), bắp cải 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), su hào 10.000 đồng/củ (tăng từ 2.000 đến 3.000 đồng/củ); súp lơ có giá 20.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/kg),…

Trong khi “hầu bao” của nhiều người dân phải thắt chặt vì dịch bệnh thì giá cả các mặt hàng đồng loạt lên giá khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp; sinh viên vừa chân ướt, chân ráo rời quê lên thành phố sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 “méo mặt”.

Hơn 1 tuần nay, em Nguyễn Việt Trường, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Giao thông vận tải không dám ra khỏi nhà trọ để tiết kiệm tiền xăng. Lần đầu tiên sống xa nhà, lại đúng thời điểm giá cả các loại mặt hàng tăng cao nên Trường không tránh khỏi lo lắng.

“Đi chợ mấy ngày hôm nay em thấy giá thực phẩm cao quá. Người bán hàng giải thích là giá xăng tăng, cước vận chuyển cũng đội lên khiến giá cả tăng theo. Sinh viên bọn em xa nhà sợ nhất cảnh tăng giá như thế này, tằn tiện, chắt bóp lắm mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Cứ như này khéo phải ăn mỳ tôm trường kỳ mất thôi”.

Cả tuần nay, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thu Trang (quận Ba Đình, TP Hà Nội) phải tính toán đau đầu sao cho hợp túi tiền. “Con tôi rất thích ăn những món hầm như bò sốt vang, thịt kho tàu… nhưng mấy hôm nay mâm cơm của gia đình tôi chủ yếu là các món luộc, xào vừa đơn giản, lại tiết kiệm gas. Trước mắt có thể “thắt lưng buộc bụng” nhưng về lâu dài, giá gas vẫn tiếp tục tăng thì những người lao động thu nhập thấp như vợ chồng tôi cũng chưa biết xoay xở thế nào” – chị Trang nói.

Chị Trang chia sẻ, các chi phí cho cuộc sống bình thường của gia đình đều tăng trong vòng 1 năm qua. Mỗi lít xăng RON 95 trước chỉ 17.270 đồng thì nay tăng lên 26.834 đồng. Trước đổ 70.000 đồng là đầy bình xăng, giờ muốn đầy bình phải mất 110.000 đồng. Bình thường 300 nghìn đồng đi chợ phải ăn được trong 2, 3 ngày, thì nay chỉ trong 1 ngày.

Xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý

Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Từ trước đến nay, giá xăng dầu tăng là lập tức ảnh hưởng tới giá các mặt hàng khác và sự ảnh hưởng đó kéo dài rõ rệt. Khi xăng dầu tăng giá, chi phí đầu vào sẽ tăng lên. Điều này làm ảnh hưởng tới giá đầu ra, gây ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ hàng hóa, tổng cầu trong nước do người dân phải chi tiêu tính kiệm hơn.

Theo ông Phong, với mức tăng giá hiện nay, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn hiện tượng “tát nước theo mưa”; có thể tính toán tới giải pháp cho cạnh tranh tự do, chống độc quyền. Với những đơn vị liên kết, làm tăng giá đồng loạt, gây lũng đoạn thị trường, cần phải có chế tài xử phạt nặng. Về phía người dân, ông Phong khuyến cáo, người tiêu dùng cần khôn ngoan khi mua sắm, nên lựa chọn, mặc cả giá trước khi mua hàng.

Theo dự báo của Bộ Tài chính, một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 như: Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và dự báo cho năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Trong đó, Bộ đặc biệt chú trọng, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Trên cơ sở đó, chủ động tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì Bộ Tài chính cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Đây là điều cần thiết vì nó sẽ giúp khoan thư sức dân, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cả leo thang: Sinh viên, người lao động 'méo mặt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO