Gia đình Việt 'tứ đại đồng đường' làm bánh khảo đón Tết Nguyên đán

Hoàng Vân 18/01/2022 14:00

Suốt 4 thế hệ từ đời cụ kị đến cháu chắt, gia đình chị Lương Thị Trang (29 tuổi, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn giữ thói quen làm bánh khảo mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Bánh khảo là loại bánh cổ truyền của dân tộc Nùng- Tày, mỗi dịp Tết đến, xuân về, người người, nhà nhà nơi đây lại đua nhau làm bánh khảo. Là một người con của dân tộc Nùng, gia đình chị Trang đã gìn giữ nét văn hóa làm bánh khảo suốt 4 đời “tứ đại đồng đường”.

Gia đình chị Trang giữ truyền thống làm bánh khảo mỗi độ tết đến, xuân về.

Những ngày này, chị Trang cùng em trai tất tả chuẩn bị các nguyên liệu để làm loại bánh cổ truyền. “Trong nhà, cứ cha truyền con nối, từ cái khuôn làm bánh, cũng có tuổi đời gần 100 năm rồi”, chị Trang vừa nhào bột, vừa nói.

Món bánh đặc sản của người Tày, Nùng không thể thiếu trong ngày Tết.

Chị Trang cho biết, các gia đình thường làm bánh vào những ngày giáp tết từ 23 đến 27 Tết. Nếp văn hóa đấy hằn sâu trong tâm thức người dân tộc Tày, họ mong rằng bây giờ hay sau này, lớp lớp con cháu, sẽ vẫn duy trì làm món Bánh Khảo, vẫn giữ được cảnh làm bánh tuy bận rộn song đem lại không khí đầm ấm vào ngày lễ cổ truyền.

Những chiếc bánh khảo tự làm được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp tết Nguyên đán.

“Người Tày làm bánh khảo thay kẹo mời khách tới thăm nhà ngày Tết. Bánh khảo còn trở thành món quà độc đáo biếu khách, là thức quà gửi cho những người con xa quê. Với người Tày, vợ chồng mới cưới ngày đầu năm về thăm bên ngoại thì bánh khảo là vật phẩm không thể thiếu. Bánh khảo cũng là món quà để dâng lên bàn thờ cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến xuân về”, chị Trang nói.

Để làm được một chiếc bánh khảo phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả. Theo chị Trang phải trải qua khá nhiều công đoạn để có thể hoàn thiện một mẻ bánh khảo. Từ rang gạo rồi xay ra thành bột, nếu bột bị khô quá, thì phải ủ bột sau đó xay mật, vò bột và mật với nhau. Tiếp đến là cho bột vào khuôn đầm, nén giấy màu, công đoạn cuối cùng là gói hoàn chỉnh.

Suốt gần 10 năm chị Trang được bố truyền cho công thức làm bánh, với chị công đoạn khó nhất là công đoạn vò bột với mật. “Phải tính tỷ lệ sao cho không bị ngọt quá, bánh đóng có được đẹp và vào khuôn hay không là phụ thuộc vào công đoạn này”, chị Trang lý giải.

Gia đình chị Trang thường quây quần bên nhau để làm bánh khảo.

Để hoàn thiện một khuôn bánh mất khoảng 20-30 phút từ khi vò bột đến khi tháo khuôn. Thông thường một khuôn làm ra được 10 phong. Do công đoạn vò bột bánh cần sự tỉ mỉ vì vậy công đoạn này thường sẽ do người phụ nữ làm còn đóng bánh sẽ được giao cho đàn ông.

“Quan trọng nhất vẫn là bột bánh vì nếu bột không đủ độ ẩm bánh sẽ không có độ kết dính”, chị Trang nhấn mạnh.

Bánh khảo được trang trí, bày biện đẹp mắt.

“Đối với khâu ủ bột cần lưu ý thêm khi bột gạo nghiền xong thường rất khô, mùa đông thời tiết hanh khô, bột sẽ bị khô hơn nữa. Vì vậy để giúp cho bột ẩm thì nên dùng lá bắp cải hoặc 1-2 khúc mía tươi vùi vào trong bột như vậy bột sẽ ẩm giúp miếng bánh dẻo hơn”, chị Trang nói.

Mẻ bánh được đánh giá đạt chất lượng cần có những yếu tố như: bánh mềm, dẻo, mịn, vị ngọt dịu thanh thanh của mật mía và đặc biệt bánh không bị bở.

Theo chị Trang, mẻ bánh được đánh giá đạt chất lượng cần có những yếu tố như: bánh mềm, dẻo, mịn, vị ngọt dịu thanh thanh của mật mía và đặc biệt bánh không bị bở. Bánh khảo khi làm xong nên để ở nhiệt độ thường khoảng 3-5 ngày sau đó thưởng thức sẽ ngon hơn. Để tránh bánh bị nhiễm ẩm dẫn tới mốc cần bảo quản bánh ở túi nilon, tránh những nơi ẩm ướt.

Chị Trang chia sẻ, gia đình chị giữ thói quen làm bánh khảo vào mỗi dịp tết đến từ thời cụ nội chị còn sống. Đến nay, bố mẹ chị vẫn giữ truyền thống làm bánh. Trong gia đình, bố chị Trang luôn nhắc nhở các thành viên gìn giữ phong tục làm bánh khảo, để giữ gìn bản sắc cổ truyền của dân tộc mình.

"Món bánh có sự kết hợp của bột gạo nếp tượng trưng cho đất mẹ, mùi thơm lừng từ vừng mang ý nghĩa hòa hợp, đoàn kết và vị ngọt của đường phên, rượu trắng thơm nồng tình yêu thương luôn phù hợp cho không khí ngày Tết, ngày lễ sum vầy”, chị Trang khẳng định.

Những chiếc bánh khảo được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Từ ngày chị Trang đi lấy chồng, mỗi dịp Tết, chị ít khi có cơ hội được cùng gia đình làm bánh khảo. Thế nhưng trong tâm thức của chị, Tết mà không có món bánh khảo thì chẳng còn là Tết nữa.

“Bánh khảo vừa có hương thơm của gạo nếp, bùi bùi của vừng lạc, vị ngọt của đường kính và béo ngậy của mỡ. Tất cả hòa quyện với nhau khiến loại bánh này có một hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.

Mỗi dịp tết đến, tôi chỉ mong được về quê, ngồi quây quần bên gia đình, sum vầy cùng nhau làm ra những chiếc bánh khảo đón tết. Không khí ấm áp, đoàn viên thật đủ đầy, ấm cúng”, chị Trang tâm tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia đình Việt 'tứ đại đồng đường' làm bánh khảo đón Tết Nguyên đán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO