Lo lắng bất ổn trong văn hóa gia đình

Thành Luân 16/01/2020 06:39

Dù quy mô nền kinh tế luôn đứng đầu khu vực phía Nam và cả nước liên tiếp trong hai thập niên qua, thế nhưng TP Hồ Chí Minh lại đang xuất hiện nhiều hơn các bất ổn về văn hoá gia đình. Các chuẩn mực của đời sống không ít gia đình bị tác động bởi tình trạng ly hôn; trẻ mồ côi mất cha, hoặc mẹ do tai nạn giao thông; xu hướng sống độc thân, đơn thân; gia tăng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật…

Nghiên cứu mới nhất được PGS.TS Nguyễn Văn Trình- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM thông tin đưa ra những cảnh báo hết sức nghiêm túc về thực trạng biến đổi văn hóa trong gia đình tại đô thị TP HCM; khi trên địa bàn thành phố có tỷ lệ 15,1% trẻ có bố mẹ ly hôn/ly thân; 19,8% mất bố hoặc mất mẹ; 5,7% mất cả bố lẫn mẹ; tệ nạn xã hội tấn công vào nhiều gia đình, trong đó có không ít gia đình có ít nhất một người thân từng vi phạm pháp luật;…

Chia sẻ những yếu tố tác động đến sự biến đổi gia đình ở TP HCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh- giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP HCM chỉ ra nguyên nhân từ quá trình đô thị hóa “quá nóng” và quá trình chuyển đổi phát triển công nghiệp, dịch vụ nhanh, dẫn đến sự hình thành nhiều khu dân cư mới thiếu các điều kiện cơ bản của một xã hội thu nhỏ, gây các bất ổn, phức tạp về an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội nảy sinh. Cũng theo bà Ánh thì vấn đề rất đáng lo ngại khi các thành viên đang cô đơn trong chính gia đình của mình. Nhiều bất ổn còn kéo theo biến đổi về kết cấu, chức năng kinh tế gia đình truyền thống và chuyển thành gia đình hiện đại. Sự phát triển nóng các KCN, KCX cũng đang làm biến đổi muck đích sống, giá trị sống, các chuẩn mực của không ít gia đình trên địa bàn thành phố.

Biến đổi trong cơ cấu gia đình tại TP HCM cũng diễn ra phức tạp, trong đó tốc độ tăng dân số chậm đi, còn quy mô hộ gia đình ngày càng nhỏ đi. Hệ lụy là TP HCM hiện được liệt vào danh sách 17 tỉnh, thành có mức sinh con rất thấp. Tổng tỷ suất sinh ở thành phố năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con/phụ nữ. Luật sư Trần Thị Thu Hà chỉ ra thực tế từ áp lực của cuộc sống ngày càng lớn hơn khiến nhiều gia đình có xu hướng sinh con muộn, sinh ít con và thậm chí không muốn sinh con. Ngoài ra, áp lực từ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí, như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí,…cũng là một phần nguyên nhân khiến tâm lý một số gia đình ở đô thị sợ tốn kém khi sinh nhiều hơn hai con…

Đứng trước thực tiễn gia đình tại TP HCM, theo bà Võ Thị Phương Uyên- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh, nếu kinh phí hạn hẹp, hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước ưu tiên hướng khuyến khích xã hội hóa các hoạt động phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống. Ở mỗi chính sách, cần đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình. “Chúng ta cũng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ, cá nhân tạo điều kiện, cơ hội để các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các quyền cơ bản của mình”- bà Uyên đưa ra khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo lắng bất ổn trong văn hóa gia đình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO