Giá hàng hóa vẫn rập rình tăng

Thúy Hằng 08/07/2022 09:12

6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực khi tăng trưởng GDP đạt 7,72% - mức cao kỷ lục so với tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ 10 năm giai đoạn 2011 -2021. Vậy nhưng điều đáng lo ngại trong quãng thời gian còn lại của năm là lạm phát có thể trở lại nếu như giá cả hàng hóa leo thang.

Hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn cao. Ảnh: Ngọc Dương

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm nhích lên

Trong cuộc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro, tác động tới Việt Nam như giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ. Giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập. Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên trên thị trường Hà Nội sáng ngày 7/7, giá nhiều loại rau củ quả và thịt cá nhích tăng. Tại chợ Thái Hà, rau muống có giá 12.000 - 15.000 đồng/ mớ, dưa cải xanh 13.000 -15.000 đồng/ kg, cà chua loại ngon 25.000 - 30.000 đồng/ kg, cá trắm đen 140.000 - 160.000 đồng/kg; thịt gà ta giao động từ 140.000 -160.000 đồng/kg; ngao hoa 25.000 - 30.000 đồng/kg…

Trong khi đó tại một số siêu thị giá rau quả tươi cũng “hò nhau” tăng giá. Chẳng hạn cà tím dài 23.000 đồng/ kg; ngô ngọt 12.000 đồng/ bắp.

Nhiều tiểu thương cho biết, giá hàng hoá tăng cao cũng khó bán vì nhập hàng về giá quá cao khách mua ít, tồn vốn nhiều.

“Thời tiết nắng mưa thất thường, trồng rau củ gì cũng khó sống, đi nhập hàng cũng không có hàng để nhập, chưa kể giá xăng tăng thì mặt hàng nào cũng tăng giá” - một tiểu thương ở chợ Thái Hà nói.

Thị trường hàng hóa ở Việt Nam có nhiều nhân tố đẩy giá tăng, như giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt tăng mạnh. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa tăng theo và gây áp lực làm tăng giá hầu hết các hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Các yếu tốc tác động lên mặt bằng giá

Giới chuyên gia nhận định, trong nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như căng thẳng chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp, có các tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ; rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta; giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến nghị, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 6 tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, sát với tình hình thực tế, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Đặc biệt, Bộ Tài chính chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả; theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

Trong khi đó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, để bình ổn giá những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình kinh tế, lạm phát thế giới và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) dự báo 2 kịch bản tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) 6 tháng cuối năm. Theo đó, kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%. Kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá hàng hóa vẫn rập rình tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO