Gia Lai: 245 phòng học bỏ hoang, lãng phí hàng chục tỷ đồng

Phạm Hưởng 25/10/2017 09:35

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Gia Lai đã phát hiện 245 phòng học tại nhiều điểm trường của tỉnh bỏ không. Phòng học xuống cấp, bong tróc, lau lách um tùm, sắt thép hoen gỉ... gây lãng phí hơn 50 tỷ đồng. Trước khẩn thiết kêu gọi các dự án hỗ trợ giáo dục, giờ bỏ hoang, Sở GD&ĐT Gia Lai “sốt sắng” tìm cách bàn giao lại cho địa phương quản lý hoặc chuyển đổi công năng.


Cỏ mọc um tùm vây kín nhiều phòng học.

Hoang tàn các cụm, điểm trường

Tại 17 huyện thị của Gia Lai có đến 13 huyện đều có phòng học, điểm trường bỏ hoang. Huyện K’bang có 81 phòng học bỏ không, từ đó đề xuất bàn giao cho xã 27 phòng, 8 phòng đề nghị thanh lý, số còn lại sửa chữa dùng làm phòng học mầm non. Hay, 28 phòng tại huyện Đức Cơ thì “tiếp tục bảo quản chờ có học sinh để mở lớp”. Huyện Chư Păh có 23 phòng giao xã 13, dỡ bỏ 1 và số còn lại thì “tự bảo quản để sau này sử dụng”. Hoặc tại huyện Ia Pa, Chư Sê và TP. Pleiku số phòng bỏ hoang lần lượt là 34, 14 và 10... cũng kiến nghị chuyển giao toàn bộ cho xã sử dụng.

Thời gian bào mòn, phần lớn trong tổng số 245 phòng học bỏ hoang bị hư hỏng nặng. Tại huyện Mang Yang, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, phân hiệu Linh Nham (xã Đắk Djrăng) nằm ngay QL19 hoang tàn, rách nát. Cỏ dại bao vây khuôn viên, che kín các lối vào phòng học. Bên trong, tường và trần phòng bung gạch, rêu phong “xâm chiếm”. Các cửa sắt bao bọc một màu học gỉ sét, cửa kính bị vỡ nát, vương vãi khắp nơi. Phân hiệu này có 4 phòng học, trong đó 2 phòng được khóa kín cửa, tất cả bàn ghế đã được di chuyển đi, số còn lại mục nát, hư hỏng hoàn toàn.

Tương tự, Trường Tiểu học Ayun 2 phân hiệu Nhơn Bông (xã Ayun) cũng xuống cấp trầm trọng. Nền học bỏ không bị xới tung, trần phòng mối mọt, sân trường cỏ dại bao trùm. Ngoài ra, điểm trường thuộc Trường THCS xã Đắk Taley cũng đang bỏ hoang. Đáng nói, dù có các điểm trường bỏ hoang, nhưng Phòng GD & ĐT Mang Yang lại báo cáo lên Sở GD&ĐT và sở này trình lên HĐND tỉnh Gia Lai là huyện Mang Yang “không có điểm trường, phòng học nào bỏ hoang”.

Ông Hồ Văn Diệp- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mang Yang cho hay, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, phân hiệu Linh Nham đã bàn giao cho xã Đắk Djrăng quản lý. “Sau đó, xã giao cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để sử dụng. Tuy vậy việc tu bổ, sửa chữa mất gần 50 triệu đồng thì HTX không làm được, vì không có tiền”- ông Diệp phân bua.

Nơi thừa, nơi thiếu

Huyện Chư Pah có 23 phòng học tại điểm trường bỏ không. Trường Tiểu học cơ sở Nghĩa Hòa (thôn 6, xã Nghĩa Hòa) hiện đang giao cho xã quản lý, sử dụng. Tại điểm trường thôn 3, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa cổng khóa kín, quây hàng rào thép gai để “bảo vệ”. Trong khuôn viên, 3 phòng học được khóa trái, một số ô cửa đã bị vỡ. Điểm trường này nằm sát ngay QL14, khi bỏ hoang, không ít phụ huynh tỏ vẻ tiếc nuối. Chị Trương Thị Diễm (trú thôn 3, TT. Phú Hòa, huyện Chư Păh) xót xa: “Hồi trước học sinh rất đông. Có thể về sau, theo phong trào, phụ huynh ai cũng muốn đưa con ra trung tâm thị trấn học cho chất lượng, do vậy mà điểm trường bỏ không. Trường xây lên mà bỏ, rõ ràng rất lãng phí”.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Păh Hồ Thị Thảo lập luận, các em thay vì ở điểm trường, vận động ra học tại trường lớn thì thứ nhất, giảm lược khoản tiền lương cho giáo viên ở điểm trường (1 lớp/ năm/ 100 triệu đồng); thứ hai ở trường lớn các em được chào cờ, sinh hoạt tập thể, sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ học tập hiện đại mà các điểm trường lẻ không có. “Do vậy, không nên sợ phòng học bị bỏ hoang mà ép, bắt học sinh ở lại. Không vì vấn đề này mà chồng lên một cái sai khác”- cô Thảo thẳng thắn.

Báo cáo giải trình của Sở GD&ĐT Gia Lai là: Do kinh tế phát triển, trường trung tâm, trường chính được đầu tư hiện đại, quy mô mở rộng. Thế nên, các phụ huynh đều muốn đưa con đến các trường lớn để học tập tốt hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến 245 phòng học dôi dư, không sử dụng. Lý luận rằng, “phụ huynh không muốn con cái học ở các điểm trường”, nhưng nghịch lý khi Sở GD & ĐT trong phần xử lý 245 phòng học, lại đề xuất “tu sửa làm 85 phòng học cho lứa mầm non”.

Các điểm trường bỏ hoang, kinh phí do tỉnh Gia Lai huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có các dự án giáo dục cho trẻ em vùng khó. Việc 245 phòng học không sử dụng đã bộc lộ sự yếu kém trong khâu quy hoạch, khảo sát, bởi nơi cần thì không xây, nơi có rồi vẫn cố xây. Thời điểm, chưa có trường học thì “hối hả” kêu gọi các dự án đầu tư, lúc dư thừa thì “nôn nóng” tìm cách chuyển đổi công năng, giao cho xã quản lí.

Theo tính toán, kinh phí xây dựng mỗi phòng học khoảng 200 triệu đồng, và 300 triệu cho phòng tầng trệt. Với 245 phòng học bỏ không tại Gia Lai, số tiền lãng phí tương đương 50-70 tỷ đồng.

Trước thực trạng Sở GD&ĐT Gia Lai tìm cách dỡ bỏ, thanh lý các phòng học bỏ không thì mới đây (ngày 21/9), Phòng GD&ĐT huyện Mang Yang và huyện Chư Pứh được sự giúp đỡ của Cty Canon (Nhật Bản) đã xây dựng 2 điểm trường làng Đắk Ó, thuộc Trường Tiểu học Kon Chiêng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) và điểm trường Plei HLốp, thuộc Trường Tiểu học KPă Klơng (xã Chư Don, huyện Chư Pứh) với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Mục đích xây dựng nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học vì... không có điểm trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia Lai: 245 phòng học bỏ hoang, lãng phí hàng chục tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO