Giá lợn hơi giảm từng ngày, người dân khóc ròng vì càng xuất chuồng càng lỗ

Minh Thư - Phan Linh 17/10/2021 13:54

Số lượng lợn hơi tồn đọng sau một thời gian dài giãn cách đã đẩy giá liên tục giảm sâu theo từng ngày khiến không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ "kêu trời" vì càng xuất chuồng càng lỗ.

Càng xuất chuồng càng lỗ

Giá lợn tuột dốc không phanh, xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây đang là nỗi lo lắng của không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tất Thành (31 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội), thương lái thu mua lợn tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Minh Quang, Phú Thọ, cho biết: “Gần đây, khi giá lợn hơi giảm mạnh, còn khoảng hơn 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày giảm 2.000 đồng/kg. Cũng vì vậy mà tôi nhận được cuộc điện thoại từ các hộ chăn nuôi nhiều hơn ngày thường".

Trang trại lợn của gia đình ông Phan Văn Thắng.

Anh Thành thông tin thêm, mỗi ngày anh chỉ thu mua từ 50 đến 60 con lợn để bán trong 2 ngày. Giá lợn hơi giảm, lượng tiêu thụ ra ngoài thị trường cũng khá ảm đạm nên những thương lái như anh thi thoảng phải “từ chối khéo” nhiều cuộc điện thoại của người chăn nuôi trong một ngày.

Trang trại nhà ông Phan Văn Thắng (50 tuổi, trú tại thôn Hiệu Lực, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) có quy mô 260 con lợn thịt. Từ đầu tháng 10 tới nay, ông Thắng xuất 130 con với giá từ 32.000 đến 39.000 đồng. Sau khi cộng hết chi phí về giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine… ông Thắng ước tính mỗi con lợn bán rabị lỗ từ 2 đến 2,3 triệu đồng.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Thắng, ông Nguyễn Văn Tú (chủ hộ chăn nuôi tại thôn Hiệu Lực) cho hay: “Mấy ngày nay, tôi đứng ngồi không yên vì giá lợn hơi giảm “không phanh”. Tôi đã gọi điện cho nhiều thương lái giục họ đến xem lợn và chốt giá nhanh càng sớm càng tốt. Với giá 32.000 đồng/kg, tôi đã bán 50 con và lỗ khoảng 115 triệu đồng. Tôi sợ nếu không bán nhanh thì sẽ lại càng lỗ nặng hơn”.

Khảo sát trên thị trường, giá lợn hơi tại miền Bắc vào khoảng 30.000- 38.000 đồng/kg, ở khu vực miền Nam ở mức 40.000- 45.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 8, khi cả nước đang trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội.

Giá lợn hơi giảm sâu tuy nhiên giá cám từ đầu năm đến nay đã tăng đến 30-40% khiến chi phí chăn nuôi "đội" lên khá nhiều. "Đó là chưa kể tiền nhân công, tiền điện nước, tiền thuốc men,…càng bán ra nhiều thì càng lỗ nhưng lợn đến thời kỳ xuất chuồng cũng không thể nuôi tiếp ở trang trại. Vì tiền cám chăn nuôi là khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình tôi", chị Nguyễn Thị H. (Khoái Châu, Hưng Yên) cho hay.

Giảm đàn, bỏ trống chuồng

Giảm đàn, bỏ trống chuồng là tâm lý chung của nhiều hộ dân chăn nuôi lợn tại thời điểm hiện tại. Có những gia đình chỉ mới bắt đầu chăn nuôi từ đầu năm với số lượng ít thì nay gần như mất trắng vốn. Do phải bù lỗ, lại tốn công chăm sóc nên nhiều hộ chăn nuôi chọn cách bỏ trống chuồng, chưa vội tái đàn trong thời điểm này.

Ông Thắng đang chăm sóc đàn lợn trước khi xuất chuồng.

Ông Chu Văn Chung (hộ dân chăn nuôi tại xã Tản Linh, huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Với tình hình giá cả như hiện nay, gia đình tôi chỉ duy trì những đàn lợn con còn lại trong chuồng chứ không có nhu cầu tái đàn.

Những hộ chăn nuôi lâu dài như gia đình tôi cũng đều có tâm lý để trống chuồng một thời gian. Điều này tuy sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn ra thị trường nhưng vì vốn ít lại lỗ nặng nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần thời gian để phục hồi chăn nuôi sau đại dịch Covid-19”.

Không chỉ có hộ ông Chung, nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Nội cũng có tâm lý tương tự.

Nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn tuột dốc không phanh được cho là do nhu cầu tiêu thụ hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Dù nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội nhưng do nhà máy, bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú tại các trường học chưa hoạt động trở lại, trong khi đây là những nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nên chưa kéo giá lợn hơi tăng lên được.

Theo một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp, giá lợn hơi có thể giảm đến hết tháng 10. Sang đến tháng 11, khi nhu cầu thị trường tăng, giá lợn sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ không đủ sức cầm cự vì vốn đã cạn nên gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới nguy cơ sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn và có thể dẫn đến giá lợn tăng cao trong thời gian cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên Đán.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ này đang kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ nông hộ để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào và khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động tái đàn để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn hơi giảm từng ngày, người dân khóc ròng vì càng xuất chuồng càng lỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO