Giá lợn hơi tăng mạnh

Lê Bảo - Minh Sang 08/07/2022 10:10

Những ngày gần đây ghi nhận giá lợn hơi tăng mạnh trong cả nước, cá biệt có địa phương tăng 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo phản ánh của người chăn nuôi với mức tăng này chưa thể mừng vì chi phí cho giá thức ăn chăn nuôi tăng cộng với chi phí vận chuyển tăng...

Những ngày gần đây giá lợn hơi đồng loạt tăng tại 3 miền.

Giá lợn hơi cán mốc 70.000 đồng/kg

Theo các thương lái giá lợn hơi ngày ngày 14/7 tại thị trường miền Bắc tăng thêm 2.000 đ/kg ở vài nơi so với hôm trước.

Cụ thể ở một số địa phương như: Hưng Yên, Thái Bình và TP Hà Nội giá tiếp tục neo tại mức 70.000 đồng/kg. Tại Nam Định tăng 2.000 đồng/kg lên mốc 68.000 đồng/kg. Bắc Giang, Yên Bái và Lào Cai điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg so với hôm trước, hiện thu mua chung mức 67.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi ngày 14/7 tại thị trường miền Bắc đang giao dịch quanh mức 66.000 - 70.000 đ/kg.

Tương tự tại miền Trung và Tây Nguyên giá lợn hơi vẫn trong đà tăng, có nơi tăng tới 7.000 đ/kg so với ngày 13/7.

Cụ thể, Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Ngãi hiện giao dịch ở mức 65.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với hôm trước. Tại 5 tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, thu mua lợn hơi chung mức 61.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh Hà Nội cũng tăng. Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh Hà Nội như chợ Trung Kính, Nam Trung Yên, Trung Hòa (quận Cầu Giấy – TP Hà Nội) giá thịt lợn đều tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tùy từng loại.

Mặc dù giá lợn hơi liên tiếp tăng, nhưng theo nhận định của người chăn nuôi, với mức giá từ 66.000 đến 70.000 đồng/kg người chăn nuôi chưa có thể có lãi. Bởi từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã trải qua 4 lần tăng giá trong đó, giá nguyên liệu thô tăng, như ngô lên 26%, lúa mì 18% và đậu nành 25% so với đầu năm.

Ngoài ra, chi phí thức ăn cũng đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại, vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Với giá lợn hơi chỉ khoảng 39.000 - 55.000 đồng/kg, từ quý 3/2021 đến quý 2/2022, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không có lãi, thậm chí lỗ. Do đó thời điểm này dù giá lợn hơi đã nhích lên xong người chăn nuôi vẫn chưa thể có lãi.

Chia sẻ về giá lợn hơi cán mốc 70.000 đồng/kg, bà Nguyễn Thị Loan - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi lợn, thôn Trại Lợn, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, với giá này người chăn nuôi chưa thể có lãi vì những tháng trước đó giá lợn hơi chỉ ở mức 53.000 đồng đến 55.000 đồng/kg. Với giá này trung bình mỗi tháng trang trại nhà bà phải bù lỗ chừng 50 đến 100 triệu đồng.

“Hiện nay dù giá thịt lợn hơi tăng chút nhưng giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng nên nếu chăn nuôi thuận lợi không bị mắc bệnh thì có lãi chút đỉnh, còn nếu không thì hòa vốn” - bà Loan cho biết.

Đảm bảo nguồn cung

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nguồn cung đang bị khan hiếm cục bộ và tạm thời do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi và khó khăn của ngành chăn nuôi trước đó. Tuy nhiên, cán cân cung - cầu không quá mất cân đối vì sức tiêu thụ của thị trường hiện nay đang giảm mạnh.

Rõ nhất là ở kênh tiêu thụ chợ truyền thống khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, tại các cửa hàng bán lợn hơi tại các chợ truyền thống của một số doanh nghiệp, lượng thịt tiêu thụ giảm gần một nửa so với trước.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng lợn hơi của Việt Nam đạt 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kiểm soát hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc này không ảnh hưởng nhiều đến tổng nguồn cung lợn hơi. Việc triển khai tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn trên đầu người của Việt Nam đã giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19, từ 31,4kg/người trong năm 2018 dự báo xuống còn 26,8kg/người trong năm 2022.

Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con lợn dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn lợn hơi trong năm nay, nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt.

Dự báo về nguồn cung thịt lợn cuối năm, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ nguồn cung cũng như phát triển tái đàn hiện nay khá dồi dào, đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

Về giá thức ăn chăn nuôi, theo Cục Chăn nuôi, đã tăng từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế và dự báo từ các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì từ giờ đến cuối năm giá thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì ở mức độ này, không có biến động lớn.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn hơi tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO