Giá nguyên liệu, nhiên liệu ‘hò nhau’ tăng: Doanh nghiệp hụt hơi

DUY KHANG 12/06/2022 14:00

Mặc dù đang ở thời điểm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng những biến động tăng của giá nhiên liệu, khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu tăng cao... khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất cảm thấy hụt hơi.

Doanh nghiệp da giày thiếu nguyên liệu sản xuất.

Nỗ lực phục hồi bị kéo giảm

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu do tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như biến động dịch bệnh tại Trung Quốc khiến các ngành công nghiệp, trong đó phải kể đến các nhà sản xuất ô tô, các công ty công nghệ, các DN ngành chế tạo, chế biến... gặp khó. Các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại, thiếu container..., các quy tắc nghiêm ngặt của Trung Quốc nhằm phòng, chống dịch Covid-19 khiến các DN Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường này gặp gián đoạn ở cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Thời điểm này, nhiều DN ngành da giày đối diện với thực tế thiếu nguyên liệu sản xuất. Nguyên do là bởi, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang gián đoạn do chiều nhập khẩu nguyên liệu từ phía Trung Quốc về trong nước bị thiếu container rỗng.

Theo nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, các DN sản xuất da giày có nguy cơ bị trễ hẹn giao hàng cho đối tác bởi phía Trung Quốc đang thiếu container rỗng để chuyển nguyên, phụ liệu về. Hơn nữa, nguồn cung nguyên liệu từ phía đối tác “hàng xóm” của chúng ta cũng giảm sút do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Với ngành cơ khí, tình hình cũng không có gì khá hơn khi giá nhiên liệu liên tục tăng mạnh thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Kết - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15-20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, DN rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Ngoài ra, nếu tăng giá DN cũng sẽ đối mặt với việc mất khách hàng.

Theo ông Kết, mặc dù DN đã chủ động trong điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô DN nhỏ, nguồn tài chính hạn chế. Trước mắt, DN đang từng bước cải tiến về công nghệ, giảm chi phí sản xuất để thích nghi với bối cảnh giá, chi phí hiện nay.

“Với giá dầu tăng mạnh như hiện nay khiến chi phí DN nhìn chung bị đội lên khoảng 20-25% bao gồm cước vận chuyển, chi phí nguyên phụ liệu sản xuất. DN chưa thể tăng giá sản phẩm ngay, nhưng thời gian tới, chắc chắn sẽ phải tính toán để đưa vào cơ cấu giá thành sản xuất” - ông Kết băn khoăn.

Có thể thấy, ở thời điểm này, khi mà các giải pháp hỗ trợ được nhà quản lý thúc đẩy nhằm giúp cộng đồng DN phục hồi sản xuất, kinh doanh thì tình trạng giá nhiên liệu, giá nguyên phụ liệu tăng cao vô hình trung trở thành những rào cản kéo giảm nỗ lực phục hồi của các DN.

Giảm phụ thuộc một thị trường

Nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp nhiều loại nguyên phụ liệu cho sản xuất và chế biến trong nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp tại nước này và với chính sách “Zero Covid” đã và đang khiến cho việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhiều ngành hàng chủ lực gặp khó.

Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu về giải bài toán nguồn cung nguyên phụ liệu của các ngành sản xuất trong nước. Làm sao để giảm dần sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ một thị trường, bài toán này đã được đặt ra suốt thời gian dài vừa qua, thế nhưng đến nay việc tìm lời giải vẫn khá bế tắc.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn. Do đó, về lâu dài, Việt Nam phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.

Ở vai trò nhà quản lý, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng.

Trong dài hạn, Bộ Công thương đang tìm giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai...

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn. Do đó về lâu dài, Việt Nam phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho DN lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá nguyên liệu, nhiên liệu ‘hò nhau’ tăng: Doanh nghiệp hụt hơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO