Giá nhà ở không có dấu hiệu giảm

Minh Phương 22/02/2021 08:30

Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho hay, giá căn hộ chung cư tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM trong quý IV và cả năm 2020 vẫn có xu hướng tăng.

Tổng hợp giá giao dịch căn hộ chung cư tại hai thị trường này cho thấy: Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội tăng khoảng 2-3%; tại TP HCM tăng khoảng 3-4% so với quý IV/năm 2019. Các loại căn hộ chung cư đều ghi nhận có sự tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá ở mỗi loại căn hộ chung cư tương đối khác nhau.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ, căn hộ thuộc phân khúc bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm tỷ lệ rất ít, hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển.

Tại Hà Nội hiện chỉ có một số dự án nhà ở xã hội với mức giá 20 triệu đồng/m2 được mở bán như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, CT3-CT4 Kim Chung, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm; Tòa nhà 19T4 nhà ở xã hội Lucky House (Kiến Hưng, Hà Đông)... và một số nhà ở thương mại giá thấp như Dự án Phú Thịnh Green Park (Hà Đông), chung cư Tasco Xuân Phương.

Trong khi đó, tại TP HCM trong năm 2020 hầu như không xuất hiện dự án nào có căn hộ giá dưới mức 25 triệu đồng/m2.

Ngược lại, gia tăng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc trung cấp với mức giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2, mức giá căn hộ trung cấp tại TP HCM nhỉnh hơn với mức 35 -45 triệu đồng/m2.

“Lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khúc trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định.

Một số liệu khảo sát cho biết, hiện giá nhà tại TP HCM và Hà Nội đang cao hơn gần 30 lần so với thu nhập của người trẻ. Cụ thể, thu nhập bình quân của người trẻ mới đi làm là 72 triệu đồng một năm, trong khi đó, giá một căn hộ bình quân hiện đã “leo thang” tới 2 tỷ đồng.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá BĐS tăng trong năm qua. Song, nguyên nhân chính vẫn là nguồn cung ít. Bên cạnh đó, một phần do chính sách, thủ tục hành chính khiến cho các dự án bị kéo dài, đẩy các chủ đầu tư vào tình thế phải gia tăng chi phí, và điều này dẫn đến họ phải bù chi phí đó vào giá thành sản phẩm.

Còn theo Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, một nguyên nhân nữa khiến giá nhà ở tại Việt Nam không giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 là do đây vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả. Nhà đầu tư vẫn thấy cơ hội đầu tư đối với các phân khúc BĐS, trong khi nhu cầu có, nguồn cung giảm nên giá cả tăng.

Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, bám theo nhu cầu của người dân là những dự án nhà ở đáp ứng được các tiêu chí xanh, tiện nghi, ở vị trí đẹp, trung tâm, nhiều nhà đầu tư đã tập trung đầu tư vào phân khúc trung và cao cấp. Đó cũng là lý do khiến cho những dự án nhà ở xã hội thiếu tiện nghi, xa trung tâm, có vị trí không thuận lợi... rơi vào cảnh “chợ chiều”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá nhà ở không có dấu hiệu giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO