Gia nhập đội quân chống dịch

Nam Việt 04/08/2020 08:30

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, chiều 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát. Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế- xã hội.

Người dân tự giác xét nghiệm phòng, chống Covid-19 tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội).

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 vào Việt Nam. Tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Lần này dịch ở cấp độ mới, Thủ tướng nêu rõ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố phải là một pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên pháo đài ấy.

Đây là tinh thần tiếp nối của đợt chống dịch Covid-19 thứ nhất, khi Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, mỗi làng xã, khu phố là một pháo đài chống dịch. Tinh thần đó được nâng lên cao hơn khi mà tình hình lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn biến rất phức tạp, kể từ ngày 25/7 khi ca nhiễm mới được phát hiện tại Đà Nẵng, sau 99 ngày Việt Nam chống dịch Covid-19 rất thành công khi không có ca nhiễm mới trong cộng đồng và cũng không có người tử vong.

Tuy nhiên, kể từ ngày 25/7 tới nay, thực tế cho thấy tình hình dịch bệnh đã diễn biến rất phức với nhiều số ca Covid-19 mỗi ngày. Nhiều biện pháp khẩn cấp truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch được áp dụng. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 2 thành phố lớn đông dân cư nhất cả nước thời gian từ đầu tháng 7 cho đến khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng (ngày 25/7) tại Đà Nẵng thì đã có rất nhiều người tới thành phố này. Con số tính tới trăm ngàn. Còn cả nước, cũng trong thời gian đó, có tới 1,4 triệu người đã tới Đà Nẵng.

Đây là con số rất lớn nhất định phải được khai báo y tế, xét nghiệm nhằm ngăn chặn triệt để mầm mống dịch âm ỷ trong cộng đồng. Những ngày qua, việc khai báo y tế, xét nghiệm tại nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TP HCM, đối với những người từng tới Đà Nẵng ở thời điểm có thể lây nhiễm được tiến hành rất khẩn trương, với lực lượng y tế hùng hậu. Tại Hà Nội và TP HCM, cao điểm xét nghiệm cả chục ngàn người mỗi ngày.

Còn với tâm dịch Đà Nẵng, các biện pháp khoanh vùng, điều trị, dập dịch còn nóng bỏng hơn. Cùng với nỗ lực của địa phương thì ngành Y tế đã chi viện, bổ sung những lực lượng tinh nhuệ bậc nhất cho Đà Nẵng. Trong đó có kíp nhân viên y tế đã từng điều trị hiệu quả cứu sống bệnh nhân người Anh (BN91), được thế giới cho là kỳ tích. Trong đó có cả nhóm chuyên gia đã từng trực tiếp dập dịch ở Sơn Lôi, Hạ Lôi vào thời điểm phong tỏa hết sức căng thẳng…

Đó là những biện pháp, quyết tâm của Chính phủ, của ngành Y tế, của các địa phương và những lực lượng liên quan. Điều đó được toàn xã hội ghi nhận.

Nhưng, như đã nói, tình hình dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng là cực kỳ nguy hiểm, nên chừng ấy thôi chưa đủ, mà còn phải là sự quyết tâm, sự đồng lòng của cả cộng đồng, mà trước hết và vô cùng quan trọng là của từng người dân. Nếu mỗi gia đình, mỗi thôn xóm là một pháo đài thì từng người dân phải là một chiến sĩ của pháo đài ấy trong cuộc chiến dập dịch.

Trong những nguyên nhân đưa tới thành công trong đợt dập dịch trước, đó chính là ý thức của người dân khi tuân thủ triệt để chỉ đạo của Chính phủ, khuyến cáo của ngành Y tế. Thì nay, với việc Covid-19 lây lan trong cộng đồng, ý thức đó cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Từng người một không chủ quan, tự bảo vệ mình đúng cách thì sẽ hạn chế rất nhiều sự lây lan. Bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ đất nước. Trong ý nghĩa đó, với trách nhiệm là một chiến sĩ, đòi hỏi rất cao đối với từng người, đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ của một người chiến sĩ.

Vì thế, không thể chấp nhận bất cứ ai có hành vi đi ngược cuộc chiến chống Covid-19 đang được Chính phủ và toàn dân tiến hành. Việc chia sẻ những thông tin sai lệch, không kiểm chứng, gây hoang mang rất cần phải xử lý nghiêm khắc. Việc đó thời gian qua đã áp dụng nhưng vẫn rất cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, để thống nhất ý chí và hành động, nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình thế lây lan Covid-19 trong cộng đồng.

Nếu mỗi người vẫn chủ quan, hoặc ai đó gây hoang mang dư luận, thì cũng có nghĩa người đó từ chối trách nhiệm của mình trước đất nước.

Hẳn mọi người cùng xúc động mỗi lần nghe bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” vì từng mét nước Biển Đông tổ tiên để lại, thì nay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mỗi người cũng đã trở thành chiến sĩ. Đây cũng chính là thời điểm Tổ quốc gọi từng người, Tổ quốc gọi tên mình gia nhập đội quân chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia nhập đội quân chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO