Gia tăng bệnh tay chân miệng

Ngọc Hải 31/07/2017 08:00

Bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở ĐBSCL. Tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 lượt bệnh nhân, có ngày lên đến 120 bệnh nhân, tăng gấp đôi so với tháng 6. Theo nhận định của bác sĩ, bệnh tay chân miệng gia tăng trong những ngày qua là do vào chu kỳ phát bệnh và sẽ kéo dài đến hết năm.

Trẻ em khám - chữa bệnh tay chân miệng tại BV Nhi Đồng TP Cần Thơ.

Bệnh rất dễ lây

Bệnh tay chân miệng bùng phát nhanh là do bệnh rất dễ lây. Nó có thể lây qua trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, trong thời gian đầu, trẻ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang người khác. Những yếu tố lây truyền phức tạp như trên mà tay chân miệng được coi là bệnh nguy hiểm. Chỉ cần một trẻ bị bệnh là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bệnh tay chân miệng biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. Một hoặc hai ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má. Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên mông hoặc ở cơ quan sinh dục.

Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bởi vậy, các bậc cha mẹ phải hết sức lưu ý, khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, run tay chân, co giật. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Ngành y tế khuyến cáo

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần. Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, thời gian qua Bộ Y tế đã có khuyến cáo, người dân cần thực hiện nhiều biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đặc biệt, người dân cần ngăn không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi chấm đỏ trên lòng bàn tay, chân, đầu gối hay trong vòm họng, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể gây nguy hiểm. Khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho trẻ khác.

Theo các chuyên gia y tế, cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Trước sự gia tăng số ca mắc bệnh tay - chân - miệng, nhiều trường, đặc biệt là các trường mầm non tại TP HCM đã và đang tiến hành nhiều biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh cho các bé. Các trường mầm non đã sử dụng dung dịch cloramin để tẩy rửa lớp học, dụng cụ dạy học, đồ chơi, bếp ăn rồi đổ dung dịch đó xuống cống để diệt muỗi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh tay chân miệng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO