Gia tăng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Đức Toàn - L.H. 06/06/2020 08:00

Với quyết tâm đưa Nghị quyết 28-NQ/TW vào cuộc sống, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

Gia tăng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người dân phấn khởi khi được cán bộ tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện.

Tăng 296.700 người tham gia BHXH tự nguyện

Tính đến hết ngày 31/12/2019, số người tham gia BHXH đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 574.000 người.

Về số người tham gia BHXH tự nguyện, báo cáo so sánh, từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW thì số người tham gia BHXH tự nguyện có sự phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

Đạt được kết quả trên, theo BHXH Việt Nam, có nhiều nguyên nhân, trong đó về chính sách đã có nhiều sửa đổi thông thoáng tạo điều kiện hơn cho người tham gia như: Không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt (bổ sung thêm các phương thức đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm); đóng một lần cho những năm còn thiếu); Nới rộng thời điểm đóng. Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng).

Trước đây (trước năm 2016), mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở. Từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển đối tượng tham gia BHXH. Nhiều địa phương đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến cấp huyện và cấp xã. Công tác tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (như phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí…), trực tiếp thông qua hội nghị khách hàng và áp dụng phương thức tuyên truyền mới qua mạng xã hội (như Zalo, Facebook, Youtube…).

Đa dạng phương thức tuyên truyền

Đáng ghi nhận thủ tục hành chính luôn được rà soát, tinh giản, rút gọn (từ tháng 5/2020 rút gọn chỉ còn 03 thủ tục, riêng thủ tục thu BHXH tự nguyện chỉ duy nhất có 1 thủ tục). Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia.

Hệ thống đại lý, mạng lưới cộng tác viên được mở rộng. Đến nay, toàn quốc có trên 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu đến từng xã, phường, thị trấn; mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia.

Định kỳ hàng tháng, các đơn vị tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương đơn vị, cá nhân làm tốt, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả phát triển và duy trì người tham gia BHXH tự nguyện; hàng quý tổ chức đánh giá, khen thưởng cho tập thể cá nhân có thành tích để động viên, kịp thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO